1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cả làng "hò nhau nổ nếp" làm nên thứ bánh Tết đặc sản xứ Quảng

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Ảnh hưởng dịch Covid-19 nên năm nay người làm bánh nổ cũng ít hơn, sản lượng giảm nhưng bạn hàng tìm về nhiều, nên họ cố gắng thổi lửa "nổ" nếp để cung ứng thị trường.

Tết cổ truyền với người xứ Quảng, trên gian thờ tổ tiên, chưa bao giờ thiếu đi những loại bánh truyền thống. Và bánh nổ, một loại bánh dân dã luôn góp mặt trên mâm cúng ngày Tết, là thức quà quê gợi nhớ gợi thương với những người con Quảng Nam xa xứ.

Cả làng hò nhau nổ nếp làm nên thứ bánh Tết đặc sản xứ Quảng - 1

Nếp dùng để "nổ" thường là nếp mỗi gia đình tự canh tác trong năm, phơi khô để dành đến Tết để làm bánh nổ

Từ đầu tháng Chạp người làng Tân Phong (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) lại tất bật rang nếp, sên đường, lượm nổ… Đây là ngôi làng duy nhất ở xứ Quảng còn làm bánh nổ cổ truyền để cung ứng cho các chợ trong tỉnh, TP Đà Nẵng hoặc theo chân người con xa quê vào tận TP Hồ Chí Minh.

Cả làng hò nhau nổ nếp làm nên thứ bánh Tết đặc sản xứ Quảng - 2

Sau khi sàng sạch trấu, nổ sẽ được lựa chọn lại để bỏ đi những hạt chưa đạt, công đoạn này và nổ nếp rất tốn thời gian và công sức

Quy trình để làm nên một chiếc bánh nổ không hề đơn giản. Nguyên liệu chính là nếp được phơi phóng, loại bỏ những hạt lép để khi rang, nếp nở bung. Để có được hàng triệu hạt nếp nổ vừa đảm bảo độ giòn nhưng phải vừa vàng tới, không cháy, người canh lửa phải biết điều chỉnh.

Cả làng hò nhau nổ nếp làm nên thứ bánh Tết đặc sản xứ Quảng - 3

Hạt nếp đã nổ sau đó sẽ được máy cho nhỏ lại dễ đóng khuôn, bánh cũng mịn, xốp và đẹp hơn, tuy nhiên cũng có nơi sẽ để nguyên hạt to, rồi trộn cùng đường cát trắng

Sau công đoạn rang nếp, hạt nổ phải được nhặt sạch vỏ trấu còn sót. Tiếp đến là khâu thắng đường, phải làm sao để đường sên với gừng không bị già lửa. Sau khi đường "lại nước" sẽ trộn nổ vào, tiếp đó cho hỗn hợp này vào khuôn, đóng chặt và đưa đi sấy bằng than củi.

Cả làng hò nhau nổ nếp làm nên thứ bánh Tết đặc sản xứ Quảng - 4

Nếp được đóng vào khuôn hình vuông, có nơi đóng thành cây dài 40cm-50cm rồi dùng dao cắt vừa ăn

Với 25 năm gắn bó cùng nghề làm bánh nổ, bà Phạm Thị Lan (chủ cơ sở bánh nổ giòn Bảo Ngân) chia sẻ, mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, người làng Tân Phong lại tất bật đem nếp đi "nổ", nếp thường là nếp có sẵn trong nhà do chính tay mỗi gia đình canh tác mà có. Bánh nổ là đặc sản không thể thiếu trên mỗi mâm lễ cúng gia tiên của người xứ Quảng, là thức quà quê theo chân những người con tha hương giúp vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.

Làng bánh nổ Tân Phong tất bật vào mùa Tết

Nhiều năm trước làng có hơn 40 cơ sở sản xuất bánh nổ mỗi dịp Tết, nhưng do công việc vất vả và chỉ mang tính thời vụ nên người theo nghề bây giờ không nhiều. Bên cạnh đó, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hầu hết các cơ sở đều giảm sản lượng vì sợ khó tiêu thụ.

Cả làng hò nhau nổ nếp làm nên thứ bánh Tết đặc sản xứ Quảng - 5

Đến cận Tết Nguyên đán, làng Tân Phong tại tất bật nổ nếp làm bánh để cung ứng thị trường

Theo bà Lan, mọi năm đến Tết cổ truyền, gia đình thường chuẩn bị gần 1,5 tấn nếp để "nổ", nhưng năm nay do lo ngại dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tiêu thụ nên chỉ làm khoảng 500 ký nếp.

"Tôi cũng định tạm ngưng năm nay, nhưng nhiều cơ sở nghỉ nên phải gắng làm để giữ mối, vả lại mỗi năm lại "nổ" nếp quen rồi, không làm thì nhớ. Tôi hy vọng bánh nổ truyền thống này sẽ được đầu tư để phát triển trở thành đặc sản cho khách du lịch làm quà, chứ không chỉ gói gọn mỗi dịp Tết", bà Lan chia sẻ.

Cả làng hò nhau nổ nếp làm nên thứ bánh Tết đặc sản xứ Quảng - 6

Bánh sau khi đóng thành khuôn sẽ được sấy bằng than củi trong 2 tiếng, một tiếng sẽ trở bánh một lần để bánh khô đều, có thể để được hơn 3 tháng

Khâu ép nổ vào khuôn thường có hai cách, người sẽ ép vào khuôn dài tạo thành cây khoảng 40-50cm rồi dùng dao cắt thành khoanh vừa ăn; hoặc có gia đình ép nổ vào khuôn hình vuông theo từng cái, cách này bánh sẽ vuông vức và đều hơn.

Ông Đỗ Văn Tuấn - một trong những hộ làm bánh lâu năm của làng chia sẻ, bánh nổ của làng Tân Phong đã có từ lâu đời, và tháng Chạp cũng là tháng rộn ràng nhất. Nhiều năm trước có khoảng 40 cơ sở, nhưng những năm gần đây thì làng Tân Phong còn 20 hộ cùng làm bánh để bỏ mối.

Cả làng hò nhau nổ nếp làm nên thứ bánh Tết đặc sản xứ Quảng - 7

Bánh nổ được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, có khi còn được mang sang nước ngoài làm quà

"Đây là nghề thời vụ mùa tết, sau khi ruộng vườn đã rỗi rãi. Làm mãi rồi thành nghề truyền thống. Năm nay sợ tiêu thụ khó do dịch bệnh, nhiều cơ sở cũng giảm sản lượng, hoặc có người thì kiếm việc ổn định để làm nên tạm ngưng", ông Đỗ Văn Tuấn nói.

Bánh nổ, khi thưởng thức, phải ăn từ từ ta mới cảm nhận hết vị ngon ngọt, đậm đà của bánh. Trong những ngày cuối đông đầu xuân, với chút gió se lạnh, ngồi nhâm nhi miếng bánh nổ ngòn ngọt với chút mứt gừng cay cay cùng chén trà nóng thì không gì thú vị bằng.