1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gia Lai:

Người phụ nữ làm kinh tế giỏi hiến hơn 1.500m2 đất làm đường

(Dân trí) - Chị Sen (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã mạnh dạn chuyển đổi sang cây ăn quả và thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không những thế, chị còn chặt bỏ cây trồng để hiến 1.500m2 làm đường.

Làm giàu trên “vùng khó”

Về thăm mảnh đất Chư Sê trong những ngày mưa dầm nhưng chúng tôi vẫn thấy chị Trần Thị Sen (thôn 6, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai) đang tỉ mỉ cắt tỉa các cành bơ trong vườn.

Dừng tay nghỉ trưa, chị Sen tâm sự với chúng tôi về hành trình “thoát nghèo” từ vùng đất khó.

Cận cảnh vườn trái cây giúp chị Sen thu hàng trăm triệu mỗi năm

Chị Sen cho biết, năm 2003, hai vợ chồng và hai con rời mảnh đất Đắk Lắk để vào tỉnh Gia Lai lập nghiệp. Về với vùng đất này, gia đình cũng đi theo lối mòn của người dân là trồng cây tiêu, cà phê.

Hai vợ chồng quần quật làm ngày đêm nhưng vẫn không đủ ăn, bao nhiêu vốn đầu tư vào vườn cây đều lỗ…

Nhiều lần chị Sen và chồng đã nghĩ đến việc chuyển đổi cây trồng. Nhưng câu hỏi “trồng cây gì và nuôi con gì?” khiến gia đình suy nghĩ và tìm tòi nhiều tháng trời để giải đáp.

Người phụ nữ làm kinh tế giỏi hiến hơn 1.500m2 đất làm đường - 1
Sau nhiều khó khăn, chị đã thành công với giống bơ Booth trên vùng đất đỏ Chư Sê

Năm 2007, sau khi chị Sen xem trên tivi và qua tìm hiểu các sách báo, chị quyết định trồng cây bơ Booth.

Gia đình chị là hộ tiên phong mang giống bơ Booth về trồng trên mảnh đất đỏ bazan của vùng Chư Sê. Do chưa nắm vững cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, cây bơ bị chết rất nhiều lúc ban đầu. Khi đó, người bị phụ nữ “chân đất” đã đi tìm thuốc khắp nơi để chữa bệnh cho cây.

Sau hơn 3 năm vất vả bươn chải, vườn bơ đã đến mùa thu hoạch với quả lớn, đều, vị ngọt dịu.

Từ năm 2010 trở đi, trên 6 sào bơ chị đã thu về hơn 300 triệu đồng/mỗi năm. Không những thế, chị Sen còn ghép chồi bơ booth để cung cấp cây giống cho người dân quanh vùng và các tỉnh lân cận.

Ngoài thu nhập từ bơ Booth, chị còn có gần 100 gốc bơ thường và 70 gốc sầu riêng, mỗi năm thu thêm từ 75-100 triệu đồng.

Người phụ nữ làm kinh tế giỏi hiến hơn 1.500m2 đất làm đường - 2

Mỗi năm chị Sen thu gần 300 triệu đồng từ giống bơ Booth

Chia sẻ về bí quyết trồng bơ, chị Sen tiết lộ: “Quan trọng nhất vẫn là dùng phân và tưới nước đều đặn. Riêng đối với bơ, nếu quả rụng trái cần phải bơm thuốc, chặn đọt".

Chị Sen nói, do chị không được học hành nhiều nên chỉ biết áp dụng theo cách truyền thống nhưng may mắn quả vẫn đạt năng suất cao.

Chặt bơ, tiêu để hiến đất làm đường

Khi đã đứng vững trên vùng khó xã Ia Blang (Chư Sê, Gia Lai), chị Sen đã hỗ trợ người dân rất nhiều trong việc hướng dẫn chăm sóc cây bơ, sầu riêng. Đồng thời, chị còn cho vay vốn và hỗ trợ giống để người dân chuyển đổi cây trồng trước “thảm kịch” cây tiêu chết trắng.

Người phụ nữ làm kinh tế giỏi hiến hơn 1.500m2 đất làm đường - 3

Chị Sen đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng bản địa sang các cây ăn quả. Nờ vậy mỗi năm chị thu về hàng trăm triệu đồng

Đặc biệt, khi về tới xã Ia Blang và hỏi chị Sen hiến đất làm đường thì ai cũng biết đến.

Khi có chủ trương làm đường nông thôn mới giúp cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản được dễ dàng thì chị Sen đã rất ủng hộ và tạo mọi điều kiện trong giải phóng mặt bằng.

Mặc dù trong vườn chị Sen đang trồng hàng trăm trụ tiêu và bơ xanh tốt nhưng khi tuyến đường đi ngang, chị Sen đã không ngần ngại hiến 1.500m2 đất để làm đường. Gia đình chị cũng chặt bỏ luôn 70 trụ tiêu sắp thu hoạch và hàng chục cây bơ để phục vụ cho việc làm đường.

Người phụ nữ làm kinh tế giỏi hiến hơn 1.500m2 đất làm đường - 4
Thấy lợi ích cho mình và người dân, chị Sen đã sẵn sàng hiến hơn 1.500m2 đất để cho chính quyền làm đường

Chị Sen bộc bạch: “Tiền thì ai mà chẳng muốn, giàu thì ai mà chẳng ham. Nhưng làm đường thì mọi người, ai cũng được hưởng lợi. Mất mấy hàng tiêu, hàng bơ nhưng đổi lại làm đẹp cho địa phương, nhà mình cũng có đường to hơn rộng hơn mà".

Theo chị Sen, từ khi có con đường, dân vận chuyển nông sản, học sinh đến trường cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Trao đổi với PV Dân trí, chị Võ Thị Hồng Gấm, Chủ tịch hội LHPN xã Ia Blang, huyện Chư Sê, cho biết: “Ngay sau khi có chủ trương hiến đất mở đường nối thông xã Ia Blang đi qua xã Ia Ròng (huyện Chư Pưh), chị Sen đã không ngần ngại chặt bỏ cây trồng để hiến đất làm đường.

Chủ tịch hội LHPN xã Ia Blang đánh giá chị Sen còn là một tấm gương đi đầu trong công tác phát triển kinh tế, làm gương cho nhiều hộ gia đình trong xã học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Phạm Hoàng