1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người mẫu khỏa thân

Khoảng một năm trở lại đây, số lượng người mẫu khoả thân cho SV khối mỹ thuật, kiến trúc tăng đáng kể. Họ đến với công việc này với tâm trạng thoải mái hơn trước vì đã bớt đi nhiều dị nghị của xã hội.

Số lượng người mẫu khoả thân hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu các trường đại học. Nhất là người mẫu nữ.

 

Không có chỗ cho kẻ trần tục

 

“Chúng tôi phải chia hai bài vẽ nam, một bài vẽ nữ mới có người mẫu vẽ vì các cô, các chị vẫn rất ngại làm việc này. Chính vì có những người mẫu “đắt show” nên các trường vẫn thường phải dùng “chiêu” đãi ngộ bằng cách trả cao hơn một chút để giữ chân họ ở lại”, cô Kim Quy, giảng viên khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng) cho biết.

 

Với những người mẫu đắt “show”, có những ngày, nhất là vào mùa thi, họ chạy tới ba buổi, ba trường. Có sức thì có thể “cua” thêm “tua” buổi tối cho lớp tại chức. Tuy nhiên, những ngày như thế chỉ rất ít.

 

Làm mẫu cho SV có thể là những người mẫu chuyên nghiệp, có thể không chuyên. Yêu cầu chọn mẫu không tới mức khắt khe, chỉ cần một vóc dáng cân đối. Số lượng cũng không đủ nhiều để có thể chọn lựa. Nhiều ngành học hiện nay cần đến mẫu khoả thân, kể cả những ngành tưởng như không liên quan gì như trang trí nội thất, tạo dáng công nghiệp.

 

Theo thầy Vũ Hiền, trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng: “Công việc đầu tiên khi vẽ người là phác thảo bộ khung trần. Phải qua thực hành vẽ khoả thân thì mới có thể vẽ cơ thể người vững chắc. Vẽ ghế, bàn hay nội thất nói chung cũng cần vẽ khoả thân mới có thể có những định lượng hợp lý tỉ lệ. Suy cho cùng, vẽ ra cái gì, chế tạo cái gì đều vì con nguời, phục vụ con người”.

 

Vì thế, người mẫu khỏa thân giúp ích rất nhiều cho các SV Mỹ thuật. “Trước khi tiếp xúc với người mẫu, SV được cảnh báo rằng, không có chỗ cho con mắt trần tục trong lao động nghệ thuật. Bất cứ SV nào có thái độ vô lễ với người mẫu đều bị kỷ luật. Nặng thì bị đuổi học” - cô Thuỷ, cùng khoa với thầy Hiền cho biết.

 

Những người giấu mặt

 

Những người mẫu khoả thân mới vào nghề đều không khỏi bỡ ngỡ và e ngại khi ngồi làm mẫu trước đám đông SV và giảng viên. Phần lớn họ đều muốn ổn định thu nhập bằng một công việc khác.

 

Không ít người vẫn có suy nghĩ, cách nhìn không hay về người mẫu khoả thân khi đánh đồng giữa nhân cách và công việc họ theo đuổi. Chữ “khoả thân” vẫn gợi lên những điều không hay. Hầu hết người mẫu theo nghề này phải bí mật công việc của mình.

 

Trong những giờ thực hành vẽ cơ thể người, bất kể trời nóng nực thế nào, mọi cánh cửa đều đóng kín tránh sự tò mò của người ngoài.

 

Chị Nguyễn Thanh H, một người có thâm niên trong nghề ngồi mẫu khỏa thân, nói: thà cửa cứ đóng kín mít, còn hở ra khoảng trống nào là lo khoảng ấy, ngồi phòng có cửa sổ bằng kính cũng lo… Nhà cao tầng xung quanh nhiều, người ta có thể tình cờ nhìn thấy từ ban công. Trường hợp ấy dù vô tình cũng khiến những người mẫu cảm thấy e ngại, xấu hổ.

 

Nhiều người trong gia đình cũng không chấp nhận cho vợ, con làm nghề này. Vì vậy, rất nhiều người cả đời phải nói dối chồng về nghề nghiệp. Như chị H.: “Đứa con ở Vũng Tàu vẫn tưởng mẹ nó làm trong trường ĐH. Đành vậy. Ở quê không sao kiếm ra tiền, ở phố, nghề này cũng dành dụm được đồng nào cho con”.

 

Chị Hà My lại khác. Nhờ được một người họa sĩ già thỉnh giáo, chị đã hiểu hơn và biết trân trọng nghề của mình. Chị nói: “Nghèo chút, nhưng là nghề chân chính, và vui vì có ích cho người ta”.

 

Anh Trần Đoàn Vinh có thâm niên gần 7 năm gắn bó với nghề cởi mở: “Làm riết rồi quen. Lúc mới vào nghề, ngồi cực bằng mấy lần lao động nặng nhọc. Đã thế, mấy cô cậu SV bây giờ ranh mãnh, dù không trêu chọc gì, chỉ cần… nhìn xoáy vào thôi đủ nổi hết da gà”.

 

Tham gia đội ngũ này còn có cả SV trong trường, hiểu nhu cầu cần mẫu nên tham gia như một việc làm thêm thu nhập, trang trải học hành.

 

Thu nhập thấp

 

Không ít buổi vẽ ngoài trời nắng như nung, trong nhà thì hầm hập, quạt máy chạy không đủ mát nhưng người mẫu vẫn nhẫn nại ngồi hàng tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, vẫn chưa “độc” bằng khí trời miền Bắc vào mùa đông, những hôm nhiệt độ chỉ hơn 10oC, lò sưởi đặt ngay cạnh cũng không át nổi cảm giác lạnh cắt da cắt thịt.

 

Vậy mà thu nhập bình quân của người mẫu dao động chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng mỗi tiết học (45 phút). Mỗi buổi vẽ thường kéo dài ba tiết, được 75.000 đồng. Nếu chịu khó “chạy” quanh các trường như ĐH Mỹ Thuật, ĐH Kiến Trúc, ĐH Hồng Bàng, ĐH Mở, khoa Mỹ thuật Công nghệ (ĐH bán công Tôn Đức Thắng), thì một tháng, họ cũng kiếm được kha khá, đủ trang trải cuộc sống.

 

Nghề mẫu khoả thân thường không bền về tuổi thọ bởi công việc đòi hỏi sức khoẻ và sự nhẫn nại. Rất khó khi phải ngồi mãi ở một tư thế gần như bất động suốt hàng tiếng đồng hồ. Chị T.N. cho biết: “Ban đầu chưa quen, cứ ngồi một chút lại có cảm giác như cả khối đá lớn kéo trì vai và tay xuống, mông thì dần tê rần. Về nhà lăn ra nằm ngay vì mỏi quá”. Người mẫu nữ có khả năng theo đuổi công việc tới khoảng trên 50 tuổi, người mẫu nam có thể cao hơn. Các cụ già 60 – 70 tuổi cũng không ngại xông pha làm mẫu.

 

“Nếu không có họ, thế giới chắc chắn không có những bức tranh khoả thân cổ điển của Raphael, Picasso… Việt Nam cũng thiếu đi vẻ đẹp hội họa nếu không có những bức khoả thân của các hoạ sĩ danh tiếng Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân… Bởi vậy họ cần nhận được những cái nhìn đồng cảm hơn” - Doanh Nghi, SV thiết kế thời trang, ĐH Mỹ Thuật, cảm thông.

 

Cùng “lò” thời trang với Nghi, Minh Hiền cho biết: “Ví von vậy có vẻ xa quá, nhưng bản thân những người mẫu, nghĩ cho gần, họ bỏ sức, bỏ công để kiếm sống; không chỉ thế, không có họ, người thiệt thòi là sinh viên. Sự thân tình và tôn trọng từ cánh sinh viên dành cho người mẫu là điều tất nhiên”.

 

Theo Vietnamnet