Người lao động Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro
(Dân trí) - Hơn một nửa số lao động nông nghiệp có nguy cơ bị thất nghiệp. Số lượng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo chiếm 62% tổng số người có việc làm ở các thành phố nên cũng khó có công việc lâu dài, ổn định.
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị công bố báo cáo lần đầu tiên về xu hướng việc làm ở Việt Nam trong 10 năm (1997-2007) và trong những năm tiếp theo và sự kiện chính thức ra mắt Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo kết quả nghiên cứu của thì Việt Nam mặc dù đã có một số thành phố lớn nhưng vẫn là một nước nặng về nông nghiệp, nông thôn. Do đó, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng nhất.
Thế nhưng, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp vẫn còn khá cao, còn nhiều lao động vẫn phải phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp, thể hiện thông qua tỷ trọng người có việc làm nằm ở hai nhóm lao động tự làm và lao động gia đình không được trả công, trả lương, gộp lại chiếm tới hơn một nửa tổng số người có việc làm. Đây chính là những đối tượng lao động dễ bị tổn thương, có nguy cơ thiếu việc làm bền vững. Ngoài ra, số lượng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo vẫn còn khá lớn (chiếm 62% tổng số người có việc làm) cũng phản ánh về nguy cơ thiếu việc làm hiệu quả.
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho rằng, những thông tin và dự báo về thị trường lao động, xu hướng việc làm như trên có giá trị cực kỳ quan trọng đối với Chính phủ trong việc rà soát và đổi mới các chính sách về thị trường lao động, thực hiện các chương trình, dự án kịp thời nhằm tạo việc làm bền vững cho người lao động, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
P. Thanh