Người lao động là cầu nối tốt đẹp cho quan hệ Việt - Nhật
(Dân trí) - Trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm và số lượng thực tập sinh đang làm việc tại nước này.
Đây là thông tin được nêu tại hội thảo "Nhìn lại chặng đường hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản" do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức sáng 25/8.
Đây là sự kiện để hai bên cùng nhìn lại chặng đường phát triển hợp tác tốt đẹp trong 50 năm qua đồng thời trao đổi các giải pháp để mối quan hệ hợp tác này ngày càng vững chắc, thực chất và toàn diện trong thời gian tới.
Thời gian qua, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều hoạt động hợp tác trải dài trong các lĩnh vực lao động, việc làm, phát triển nhân lực, an sinh xã hội... đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân và doanh nghiệp của cả hai bên.
Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang Nhật làm việc chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Tính đến tháng 12/2022, tổng số lao động Việt Nam hiện sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là 345.000 người.
Trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại nước này. Hiện tại có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản (chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản).
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, 50 năm qua, hai nước đã xây dựng nhiều khung khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương và cùng tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đặc biệt, các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước trong những năm gần đây là minh chứng cho sự tin cậy cao, thể hiện bước phát triển vượt bậc trong quan hệ song phương hai nước.
"Nhật Bản là một trong ba quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt hơn 50 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD. Những con số này đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Đồng thời, Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu của Việt Nam với hơn 27 tỷ USD vốn vay, góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, đồng thời hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho Việt Nam", Thứ trưởng Lê Văn Thanh khái quát.
Nhằm bảo vệ quyền lợi toàn diện cho người lao động hai nước làm việc trên lãnh thổ của nhau trong bối cảnh số lượng nhân lực đôi bên ngày càng tăng, Việt Nam - Nhật Bản đang trao đổi về việc đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định bảo hiểm xã hội song phương. Đây là một mốc mới trong quan hệ hợp tác về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân hai quốc gia.
Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Lao động Phúc lợi Nhật Bản Hanyuda Takashi cho biết, từ khi Việt Nam - Nhật Bản bắt đầu mối quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1973 đến nay, các hoạt động hợp tác được xây dựng trong rất nhiều lĩnh vực như trao đổi nhân lực, hoạt động kinh tế, văn hóa và thể thao…
Vấn đề trao đổi nhân lực giữa hai nước, Nhật Bản hiện tiếp nhận số lao động lớn nhất từ Việt Nam. Tính đến thời điểm cuối tháng 12/2022, có khoảng 176.000 thực tập sinh kỹ năng và 77.000 thực tập sinh kỹ năng đặc định của Việt Nam sinh sống, làm việc trên đất Nhật.
"Chính những lao động này đã trở thành cầu nối cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực lao động việc làm", Thứ trưởng Bộ Y tế Lao động Phúc lợi Nhật Bản nhấn mạnh.
Ông Hanyuda Takashi cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét lại hệ thống thực tập kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định. Việc rà soát, điều chỉnh lần này không phải là bãi bỏ chế độ thực tập sinh kỹ năng mà vì mục tiêu giúp người lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam, sau khi sang Nhật có thể an tâm sinh sống và làm việc lâu dài tại đây.