Người lao động đi Lào làm việc có thể "bỏ túi" 10 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Năm 2024, thị trường Lào cần 7.200 lao động với đủ các ngành nghề. Mỗi lao động có thể tiết kiệm 7-10 triệu đồng mỗi tháng, sau khi trừ chi phí.
Ngày 4/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam có buổi làm việc với trường Cao đẳng Thaco về công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian qua và những năm đến.
Tại buổi làm việc, ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thaco - cho hay từ năm 2021 đến nay, nhà trường đã phối hợp tốt với Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các huyện của tỉnh Quảng Nam giáp biên giới với Lào để tư vấn, tuyển sinh đào tạo và bố trí việc làm cho hơn 310 lao động là người dân tộc thiểu số.
Theo đó, người lao động được công ty ký hợp đồng dài hạn, có đầy đủ chế độ bảo hiểm theo Luật lao động của Việt Nam; được bố trí hỗ trợ chi phí ăn ở, những cặp vợ chồng làm việc ở đây được công ty tạo điều kiện bố trí phòng ở chung; được về thăm nhà sau 1-2 tháng làm việc. Mỗi lao động có thể tiết kiệm 8-10 triệu đồng/tháng.
Từ việc làm trên đã góp phần giải quyết việc làm cho đồng bào, giảm nghèo cho các hộ gia đình ở miền núi và góp phần thực hiện chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc nước ngoài của tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Phan Tiềm cho hay năm 2024 các nông trường, nông trại của Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri) cần tuyển trên 7.000 lao động ở nhiều ngành nghề như điện, cơ khí, bảo trì, trồng trọt, chăn nuôi...
Tuy nhiên, hàng năm nhà trường chỉ tuyển sinh được không quá 1.000 học sinh, sinh viên ở 3 cấp trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Do đó, nhà trường sẽ liên kết với các trường cao đẳng, đại học ở Quảng Nam để tuyển học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp cũng như tiếp tục phối hợp với các địa phương của tỉnh để tuyển lao động bố trí việc làm cho các nông trường, nông trại.
Ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, cho hay trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động miền núi. Điều này góp phần rất lớn trong vấn đề giải quyết việc làm trong thời gian vừa qua.
Tỉnh Quảng Nam đang đề ra rất nhiều giải pháp để hướng đến mục tiêu năm 2025 đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, trong đó có lao động ở miền núi. Do đó, Sở rất quan tâm đến việc đào tạo nghề và tạo việc làm, đưa lao động ở các huyện miền núi sang Lào, Campuchia làm việc.