“Người lao động đang trông chờ vào chúng ta từng giờ, từng phút”

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã nói như vậy tại buổi làm việc với một số bộ, ngành về tình hình triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (BHXH), Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 (ATVSLĐ), do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 14.3.

Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Xuân Hải)
Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Xuân Hải)

Phát biểu tại hội nghị, từ góc độ đại diện người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết: Cuối năm 2015, có tình trạng một số doanh nghiệp (DN) “bán chui” các nhà xưởng và tài sản của DN cho người khác để trốn nợ BHXH. DN cũ thì biến mất, còn DN mới thì chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH hàng chục tỷ đồng của người lao động (NLĐ). NLĐ trở thành “con tin” giữa cơ quan BHXH với DN, nếu DN chưa đóng, chưa trả nợ BHXH thì NLĐ chưa được giải quyết quyền lợi dù có bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao đông (TNLD), bệnh nghề nghiệp (BNN) hay đến tuổi nghỉ hưu hoặc chốt trả BHXH để chuyển sang đơn vị mới.

“Hiện nay, khoản 7 Điều 10 Luật BHXH 2014 quy định “Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của NLĐ nên đề nghị các Vụ chuyên đề của Bộ nghiên cứu, có biện pháp xử lý những vướng mắc cho NLĐ ở các DN có chủ bỏ trốn để trình Bộ và Chính phủ xem xét giải quyết, bảo vệ quyền lợi BHXH của NLĐ” – ông Chính đề nghị.

Ông Chính cũng cho biết: Khi xây dựng văn bản hướng dẫn các cấp công đoàn khởi kiện, chúng tôi gặp vướng mắc là Luật BHXH có hiệu lực từ 1.1.2016, trong khi Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.7.2016. Nên để xây dựng các quy trình khởi kiện theo đúng Bộ luật này thì còn phải chờ các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật. Đề nghị trong khoảng thời gian này, BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục khởi kiện các doang nghiệp nợ BHXH theo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành để đảm bảo nguồn thu cho quỹ và quyền lợi cho NLĐ.

Ngoài ra, ông Chính cũng đưa ra những bất cập khi triển khai Luật BHXH. Cụ thể như, do luật BHXH 2014 không sửa nội dung gì liên quan đến chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nên quy định về việc nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi nghỉ hưởng TNLĐ, BNN còn vênh với quy định nghỉ dưỡng sức sau khi hưởng hết chế độ ốm đau, thai sản. Bên cạnh đó, cũng chưa có văn bản nào quy định thủ tục hồ sơ TNLĐ đối với trường hợp bị tai nạn xảy ra ngoài biên giới lãnh thổ Việt Nam; TNGT đường thủy và đường không để hướng dẫn cho DN và NLĐ.

Ông Chính băn khoăn, theo Điều 96 Luật BHXH, sổ BHXH được cấp cho từng NLĐ. Vậy đối với những NLĐ đang có vướng mắc với DN, hoặc DN cũ giải thể, phá sản, không còn hoạt động, NLĐ không lấy được sổ BHXH cũ, không chốt được thời gian công tác trước ngày 1.1.2016 thì việc chốt sổ và cấp số mới cho NLĐ thực hiện như thế nào? NLĐ họ có phải về DN cũ yêu cầu chốt và lấy sổ BHXH cũ không, hay chờ để được cấp sổ mới với thời gian đóng BHXH được ghi nhần đầy đủ?...

Ông Chính đề nghị, các ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH 2014 và luật ATVSLĐ theo đứng tiến độ. Bộ LĐTB&XH nghiên cứu tham mưu việc thực hiện khoản 7 Điều 10 Luật BHXH về việc trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý DN nợ BHXH kéo dài hoặc có chủ bỏ trốn để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng về BHXH của NLĐ.

Ông Chính cũng cho biết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang dựng văn bản hướng dẫn các cấp công đoàn tham gia tố tụng lao động, trong đó có khởi kiện về BHXH. Tuy nhiên Tổng liên đoàn đề nghị không nên chuyển toàn bộ việc khởi kiện các DN nợ BHXH như lâu nay BHXH Việt Nam đang làm sang cho tổ chức công đoàn. Bởi vì, cơ quan BHXH là nơi thu, xác nhận và lưu giữ các chứng từ chứng minh việc nợ, chậm đóng BHXH của DN. Nếu chuyển cho tổ chức công đoàn khởi kiện DN sẽ phát sinh khâu trung gian và khó khăn, phức tạp hơn nhiều sơ với việc cơ quan BHXH khởi kiện ra tòa án. Trong thời gian Bộ luật tố tụng dân sự chưa có hiệu lực thi hành, đề nghị cơ quan BHXH tiếp tục triển khai khởi kiện DN nợ BHXH như hiện nay.

Kết luận buổi làm việc, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: Hai luật này liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, bất cứ vấn đề gì vướng mắc sẽ ảnh hưởng đến NLĐ, do vậy, không được để luật gây khó cho NLĐ. Nếu chúng ta chậm một chút thôi là NLĐ họ phải chờ rất nhiều. "Trong khi NLĐ đang trông chờ vào chúng ta từng giờ, từng phút nên đề nghị các bộ, ngành liên quan nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện 2 luật này" - ông Lợi nói.

Theo Xuân Hải/Báo Lao động