Người lao động canh cánh nỗi lo việc làm trong mùa dịch Covid-19
Đời sống của người lao động, đặc biệt là những lao động tại các khu công nghiệp đang gặp nhiều bấp bênh với nỗi lo mất việc và tìm việc mỗi ngày.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có khoảng gần 31 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, ảnh hưởng đến thu nhập chiếm đến gần 60%.
Tại khu nhà trọ nhỏ, nắng chỉ lọt thỏm giữa hai dãy nhà cấp bốn lợp tôn với mỗi căn phòng chỉ đủ chỗ cho một tấm phản, dư khoảng trống hẹp. Câu chuyện về niềm vui có việc giữa mùa dịch bỗng đầy nước mắt khi Thuận nhắc đến đứa con 9 tháng đã phải mang gửi, để mẹ đi làm giữ việc.
Khu nhà trọ của các lao động nghèo.
Hai vợ chồng Thuận lấy nhau, 3 năm mới có được con. Đứa con là tài sản quý. Nhưng nghịch lý càng thương con, càng phải xa con để mưu sinh, nhất là trong mùa dịch này.
Thậm chí, Thuận cũng tính, chỉ vài tháng nữa thôi, hết chế độ nghỉ phiên cho người có con nhỏ, cô sẽ xin tăng ca để thêm đồng ra đồng vào.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý II vừa qua là thời điểm có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua. Mất việc thời điểm này đồng nghĩa hành trình tìm việc sẽ là những chặng dài ít khả quan.
Gia đình chị Thiện hiện sống bằng đồng lương ít ỏi của chồng.
Chị Thiện nghỉ việc từ lúc sinh con. Đến nay, con đã hơn 1 tuổi nhưng chị vẫn chưa thể tìm được việc để đi làm. Mong muốn đổi một phòng trọ lớn hơn cho hai đứa trẻ bớt tù túng cũng phải tạm gác lại cùng cái áy náy của những người làm cha, làm mẹ.
Chị Thiện đã nhận hơn một nửa số tháng trợ cấp thất nghiệp. Vài tháng nữa, nếu chị vẫn không tìm được việc và công việc của chồng không thể tăng thêm thu nhập, cả hai cũng tính sẽ phải về quê. Nhưng ngay cả quê, nơi con cái sẽ được ở gần người thân thì việc làm vẫn có thể sẽ là những khoảng trống.
Theo thống kê, lao động nữ đang là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về việc làm dưới tác động của dịch. Riêng Quý II vừa qua, lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019.