Người lao động bất ngờ với tin nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4-1/5

Hoa Lê

(Dân trí) - Nhận lịch nghỉ dịp lễ 30/4-1/5 dài 5 ngày liên tiếp, chị Duyên, công nhân trong Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) tỏ ra rất hào hứng và lên ngay kế hoạch về thăm gia đình.

Kỳ nghỉ dài trong năm

Cách đây 2 tuần, trước khi vào phân xưởng của doanh nghiệp chế xuất Nitori làm việc, chị Đỗ Thị Kim Duyên (quê Thanh Ba, Phú Thọ) thấy hiếu kì khi bắt gặp nhiều công nhân đứng tập trung trước bảng tin.

Hóa ra, ở đó dán thông báo về lịch nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 của công ty. Trước đó, trong thâm tâm chị nghĩ rằng dịp lễ năm nay rơi vào thứ ba, thứ tư, sẽ chỉ được nghỉ 2 ngày.

Điều bất ngờ đến với công nhân là công ty cho nghỉ liền 5 ngày, từ thứ bảy (ngày 27/4) đến hết thứ tư (ngày 1/5). Ngày thứ hai (29/4), người lao động được nghỉ và đi làm bù vào thứ bảy tuần tiếp theo sau nghỉ lễ.

Là một lao động xa quê, chị Duyên luôn chắt chiu những ngày nghỉ dịp lễ, Tết để có thể về thăm gia đình. Sau khi biết lịch nghỉ trên, chị cảm thấy hào hứng, vui mừng, chờ cuối tháng này lại được nghỉ dài kể từ Tết Nguyên đán đến giờ, có thể về quê.

Người lao động bất ngờ với tin nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4-1/5 - 1

Với phương án hoán đổi 1 ngày làm việc trong tuần, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay sẽ kéo dài liên tục 5 ngày (Ảnh: Nguyễn Sơn).

11 năm làm việc trong khu công nghiệp, chị Duyên cùng gia đình nhỏ vẫn thuê trọ ở xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội). Mức thu nhập 8-9 triệu đồng/tháng hiện tại, với chị vẫn là may mắn vì công ty nhiều đơn hàng, được đi làm đều đặn hơn so với năm ngoái.

Cũng giống như chị Duyên, chị Hàn Thị Phương làm công nhân tại Công ty TNHH Denso Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) cũng nhận được thông báo nghỉ 5 ngày liên tục trong dịp lễ tới đây.

Chị Phương có hai con đang học cấp 2 ở quê nhà tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Làm việc xa nhà nhưng tuần nào chị cũng sắp xếp thời gian, đi xe máy về với các con. Nhận tin dịp nghỉ lễ được công ty bố trí cho nghỉ nhiều ngày liền, chị thích thú vì có nhiều thời gian hơn dành cho con cái, gia đình.

Nữ công nhân chia sẻ: "Ai cũng muốn gần con cái. Nhưng vì hoàn cảnh không cho phép, vợ chồng tôi phải đi làm ăn xa, các con ở nhà với ông bà".

Có lịch nghỉ, chị tính ngay 2 vợ chồng sẽ chạy xe máy về quê ngay khi kết thúc ca làm việc chiều tối thứ sáu (ngày 26/4). Đây cũng là dịp chị có thể ở nhà lâu hơn, kèm cặp các con học hành và đưa bọn nhỏ đi chơi đó đây.

Linh hoạt ngày nghỉ lễ

Trong khi nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội đã thông báo lịch nghỉ dịp lễ 30/4-1/5 đến công nhân, người lao động, thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng vừa có công văn gửi các cơ quan liên quan lấy ý kiến về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ trên.

Năm 2024, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có ngày 29/4 (thứ hai) nằm giữa ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ hằng tuần. Do đó, có ý kiến đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29/4) và làm bù sang ngày khác để dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.

Người lao động bất ngờ với tin nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4-1/5 - 2

Doanh nghiệp bố trí ngày nghỉ theo Bộ luật Lao động và căn cứ tình hình sản xuất kinh doanh (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Đối với doanh nghiệp, việc bố trí nghỉ lễ, tết tuân thủ theo quy định của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, trong nhiều thông báo về lịch nghỉ lễ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ này khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian của một số ngày nghỉ như ở khu vực nhà nước.

Cũng trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Tiến Hường, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Seojin Bắc Ninh cho biết, công ty vẫn chưa công bố lịch nghỉ dịp lễ 30/4-1/5.

Ông Hường giải thích, công ty có nhiều bộ phận khác nhau. Nhiều bộ phận phụ trách dây chuyền quan trọng, công nhân còn đồng ý đi làm xuyên ngày nghỉ lễ, Tết để đáp ứng đơn hàng của khách. 

Người lao động đi làm trong những ngày này được hưởng thù lao theo chế độ làm thêm quy định trong Bộ luật Lao động, bằng 300% lương ngày bình thường và 390% khi làm đêm. 

Từ các dịp nghỉ lễ, tết trước, Chủ tịch công đoàn cơ sở của công ty cho biết đơn vị thường nghỉ theo đúng quy định và căn cứ tình hình sản xuất, kinh doanh.

"Trong trường hợp người lao động ở bộ phận đã hoàn thành nhiệm vụ, mà có nguyện vọng được nghỉ lễ 4 ngày liên tiếp (do công ty làm việc thứ bảy), công ty sẽ tạo điều kiện cho người lao động ứng phép", ông Hường nói.

Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, từ năm 2021, trong năm, người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ, tết và được hưởng nguyên lương.

Cụ thể, Tết Dương lịch được nghỉ 1 ngày (ngày 1/1 Dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30/4 Dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1/5 Dương lịch); Quốc khánh 2 ngày (ngày 2/9 Dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10/3 Âm lịch).

Nếu những ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ theo quy định.