1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sát Tết, làng nghề mứt Quảng Trị tất bật vào vụ lớn nhất trong năm

Thanh Phong

(Dân trí) - Từ giữa tháng 11 âm lịch tới nay, những người thợ làng Mỹ Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) lại nổi lửa làm mứt gừng để cung cấp dịp Tết Nguyên đán.

Làng nghề làm mứt gừng Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng) có nguồn gốc từ hàng chục năm nay, bà con nơi đây đã gìn giữ, gắn bó với nghề ông cha để lại.

Nghề làm mứt gừng đã góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho nhân dân; lúc cao điểm có thể giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương.

Nghề làm mứt gừng nổi lửa vào Xuân
Sát Tết, làng nghề mứt Quảng Trị tất bật vào vụ lớn nhất trong năm - 1

Sau công đoạn sơ chế, mứt gừng được đưa lên chảo đảo đều

Ngay từ đầu làng, du khách có thể cảm nhận được hương vị của mứt gừng từ các cơ sở sản xuất lan tỏa khắp khu dân cư.

Những ngày này, cơ sở làm mứt gừng của ông Ngô Văn Bách (thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh) trở nên tất bật, bởi đây là giai đoạn cao điểm để kịp cung cấp ra thị trường dịp Tết nguyên đán. Hộ ông Bách sản xuất mứt gừng lâu năm tại địa phương.

Sát Tết, làng nghề mứt Quảng Trị tất bật vào vụ lớn nhất trong năm - 2

Mỗi ngày hộ bà Hằng làm ra 1 tạ mứt gừng thành phẩm.

Mỗi ngày, vợ ông Bách cùng 3 nhân công tất bật từ sáng đến tối, làm ra được 1 tạ mứt gừng để cung cấp ra thị trường.

Sát Tết, làng nghề mứt Quảng Trị tất bật vào vụ lớn nhất trong năm - 3

Công đoạn rang mứt phải đảm bảo lửa đều

Bà Nguyễn Thị Hằng cho biết, để làm mứt gừng thì trước hết cần chọn lựa gừng tươi, củ nhiều, thơm. Sau đó cạo vỏ, thái lát, rửa sạch, luộc bằng chanh, muối. Công đoạn tiếp theo là vớt ra rửa lại kỹ bằng nước sạch, rồi bắc lên chảo để rang mứt.

Theo bà Hằng, sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh không dùng chất tẩy rửa, chỉ dùng chanh và muối, đường nên luôn đảm bảo độ thơm ngon, cay nồng.

Sát Tết, làng nghề mứt Quảng Trị tất bật vào vụ lớn nhất trong năm - 4

Ông Bách tiến hành rửa gừng tươi sau khi thái lát.

Sau giai đoạn chế biến thành phẩm, mứt gừng được đóng gói và vận chuyển đi phân phối các tỉnh, thành trên cả nước.

Ông Ngô Văn Bách cho biết, cứ vào giữa tháng 11 Âm lịch thì người dân làng Mỹ Chánh lại nổi lửa làm mứt gừng để phục vụ Tết. Đây là nghề truyền thống của ông cha để lại, được các thế hệ sau duy trì và phát triển.

Ông Bách nói rằng, nghề làm mứt gừng Mỹ Chánh ngoài việc nâng cao đời sống cho người dân, còn giải quyết việc làm cho các hộ nông nhàn. Cơ sở sản xuất nhỏ thì giải quyết việc làm cho từ 5 lao động, cơ sở lớn có thể tạo việc làm cho từ 40-50 lao động, với thu nhập bình quân từ 200-300 ngàn đồng/ngày, có khi đạt 400-500 ngàn đồng/ngày.

Sát Tết, làng nghề mứt Quảng Trị tất bật vào vụ lớn nhất trong năm - 5

Sau khi rang mứt, các nhân công đưa ra ngoài để khô đường.

Tại cơ sở sản xuất mứt gừng của ông Hồ Ngọc Tuấn và bà Võ Thị Tâm thời gian này khá nhộn nhịp. Gia đình ông Tuấn làm nghề hơn 30 năm nay. Mỗi ngày cơ sở của ông Tuấn, bà Tâm làm ra 1,5 tấn mứt gừng.

Sát Tết, làng nghề mứt Quảng Trị tất bật vào vụ lớn nhất trong năm - 6

Mứt được hạ xuống khỏi bếp có vị cay nồng.

Đặc biệt, tháng gần Tết là giai đoạn cao điểm sản xuất mứt gừng để phục vụ Tết, thường bắt đầu từ ngày 15/11 đến 25/12 âm lịch.

Sát Tết, làng nghề mứt Quảng Trị tất bật vào vụ lớn nhất trong năm - 7

Bà Võ Thị Tâm phân loại qua khi mứt đã rang xong.

Cơ sở mứt gừng của ông Tuấn tạo việc làm cho khoảng 40 lao động tại chỗ. Lúc cao điểm lên đến 50 nhân công, với ngày công 200 ngàn đồng/người/ngày.

Sát Tết, làng nghề mứt Quảng Trị tất bật vào vụ lớn nhất trong năm - 8

Công đoạn đóng gói mứt để chuẩn bị phân phối.

Hiện làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh có khoảng 20-22 hộ tham gia làm mứt cung cấp dịp Tết. Sản lượng năm nay đạt khoảng 40-50 tấn mứt gừng. Những năm trước có thể đạt sản lượng đến 70 - 80 tấn.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh là các tỉnh, thành khu vực miền Trung: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, thậm chí là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.