1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người khởi xướng phong trào gói rau bằng lá chuối

Đang có công việc ổn định, thu nhập cao tại một công ty nổi tiếng ở Sài Gòn, trăn trở với khối lượng rác thải nhựa khổng lồ ra môi trường mỗi ngày, Thảo quyết định nghỉ ngang để khởi nghiệp với tiệm nông sản gói rau củ bằng lá chuối với hy vọng loại bỏ rác thải nhựa, gửi thông điệp bảo vệ môi trường đến giới trẻ.

Đưa chợ quê vào Sài Gòn

Chiều tà, khi các cơ quan hành chính hết giờ làm việc cũng là lúc nhiều bà nội trợ xách chiếc giỏ cói đến tiệm nông sản nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM mua rau, củ, quả về chuẩn bị cho bữa ăn tối.

Điều đặc biệt khiến nhiều người yêu thích tiệm nông sản này là không hề có một chiếc túi ni lông nào mà toàn bộ rau củ được gói bằng lá chuối xanh mướt hay đựng trong những chiếc rổ bằng mây tre đan thân thiện môi trường. Đó là tiệm nông sản của chàng trai 9X - Nguyễn Anh Thảo (quê Quảng Nam). 

Thảo tốt nghiệp khoa Báo chí và Truyền thông trường Đại học KHXH&NV TPHCM từ năm 2009, sau đó làm việc tại một công ty truyền thông lớn với mức thu nhập khá ổn định.

Thế nhưng, giữa năm 2018, Thảo đột ngột nghỉ việc để khởi nghiệp với ý tưởng đưa chợ quê vào Sài Gòn khi sử dụng rau củ quả là những loại nông sản được trồng hữu cơ, không thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni lông để gói sản phẩm.

Thay vào đó, toàn bộ rau xanh được gói bằng lá chuối, các loại củ, quả được đựng trong rổ mây tre đan. Khi khách mua hàng xong sẽ được cho vào bao bì giấy thân thiện môi trường.

Nói về ý tưởng táo bạo của mình, Thảo chia sẻ, trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia phát sinh rác thải nhựa lớn nhất thế giới.

Trong đó, đa số là túi ni lông và chai nhựa, hộp nhựa đựng thức ăn chiếm đa số. Cơ quan chức năng cũng đã kêu gọi người dân giảm việc sử dụng túi ni lông nhằm giảm phát thải rác thải nhựa nhưng đây vẫn là vấn đề nan giải.

Tuy nhiên, chỉ tuyên truyền bằng khẩu hiệu suông thì khó có hiệu quả. Cần những mô hình thực tế để người dân tiếp xúc và tự mình điều chỉnh hành vi, không sử dụng túi ni lông hàng ngày.

“Những nơi có thể lan toả thông điệp sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường là các cửa hàng mua sắm, các điểm bán hàng, siêu thị… Chúng ta chủ động ngưng sử dụng túi ni lông và thay thế bằng sản phẩm thân thiện môi trường thì khách hàng nhất định sẽ hưởng ứng”, Thảo nói.

Nghĩ là làm, Thảo nghỉ việc tại công ty để đi theo lý tưởng riêng của mình. Cuối năm 2018, Thảo mở một tiệm rau củ lấy tên “Tiệm rau của ba” chuyên cung cấp rau củ quả là những mặt hàng được trồng hữu cơ, không sử dụng hoá chất, chất bảo quản và gói hàng bằng lá chuối, bao bì giấy hay những chiếc rổ bằng mây tre đan.

Các loại rau dền, rau cải… được gói cẩn thận bằng những tấm lá chuối xanh mướt, còn củ quả đựng trong những chiếc rổ bằng mây tre đan, lót trên nhúm rơm khô không khác gì hình ảnh từ những phiên chợ quê.

“Từ nhỏ tôi đã ấn tượng với những phiên chợ quê, những người mẹ, người bà xách làn, bưng từng rổ rau đi chợ. Tôi muốn cửa hàng của mình như một phiên chợ quê, không có túi ni lông hay bao bì nhựa”, Thảo tâm sự.

Người khởi xướng phong trào gói rau bằng lá chuối - 1

Nguyễn Anh Thảo, người khởi xướng phong trào gói rau xanh bằng lá chuối ở Việt Nam

“Mỗi ngày cửa hàng phải nhập lá chuối tươi về rồi tự gói rau củ, vừa tốn kinh phí lại tốn thời gian. Trong khi đó, nếu sử dụng túi ni lông thì chi phí sẽ thấp hơn nhiều và không tốn thời gian đóng gói. Tuy nhiên, từ khi bắt tay khởi nghiệp, tôi đã xác định nếu chỉ kinh doanh bán sản phẩm và thu lợi nhuận thì vô nghĩa. Tôi muốn việc kinh doanh của mình phải mang lại một ý nghĩa xã hội, muốn góp phần thay đổi thói quen phụ thuộc vào túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày, thay vào đó là sản phẩm thân thiện môi trường”, Thảo nói.
Lan tỏa sống xanh

Cửa hàng nông sản của anh Thảo sử dụng lá chuối gói rau xanh từ cuối năm 2018, và là nơi đầu tiên ở Việt Nam kinh doanh theo mô hình này. Dù mới xuất hiện nhưng đã thu hút được sự quan tâm của dư luận cũng như tạo sự lan toả khi có nhiều hệ thống siêu thị cũng áp dụng.

Kể về giai đoạn mới áp dụng mô hình này, Thảo cho hay, thời gian đầu có những ngày anh phải đổ bỏ phân nửa sản phẩm vì chưa có mối tiêu thụ, người dân đô thị cũng chưa quen với việc xách túi đi chợ.

Để tạo thói quen sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, Thảo cũng sẵn sàng tặng túi vải đảm bảo chất lượng hay túi cói cho khách hàng để sử dụng được nhiều lần. Bên cạnh đó, mỗi khách hàng khi trở lại mua rau mà mang theo túi vải thân thiện môi trường cũng được giảm giá 5% trên hoá đơn. 

Sau một thời gian, nhiều khách hàng làm quen với việc sử dụng túi vải và thích thú với những bó rau được gói bằng lá chuối, đặc biệt là dân công sở và khách nước ngoài.

“Tôi thấy rất ấn tượng với cửa hàng này khi gói nông sản bằng lá chuối và sử dụng túi vải, mây tre đan để đựng rau củ. Thời gian qua tôi liên tục đọc được các thông tin về cá voi, cá mập chết vì hàng chục ký rác thải nhựa trong bụng mà xót xa. Việc thay thế túi ni lông, hộp nhựa bằng chất liệu thân thiện môi trường là cần thiết và cấp bách, tôi rất ủng hộ cửa hàng rau sạch này”, chị Lê Thị Hồng, một khách quen của anh Thảo nói.

Không chỉ khách hàng, thông điệp của Thảo cũng được nhiều hệ thống siêu thị trên cả nước áp dụng khi vào đầu tháng 4 vừa qua, các siêu thị như Co.op Mart Việt Nam, siêu thị Big C, Saigon Co.op… triển khai sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi ni lông nhằm hạn chế việc sử dụng và thải rác ni lông ra môi trường.

Điều đặc biệt hơn là khi các hệ thống siêu thị này áp dụng gói rau xanh bằng lá chuối đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen.

Việc ý tưởng của mình được sự chấp nhận của xã hội và tạo được sức lan tỏa cao, anh Thảo cho hay, trong thời gian tới anh sẽ cố gắng để mở thêm cửa hàng nói không với bao bì ni lông, sử dụng chất liệu thân thiện môi trường để tạo được thói quen cho người dân đô thị.

“Điều hạnh phúc nhất là thông điệp của mình đã tạo được sự lan toả, không chỉ người nước ngoài mà rất nhiều bà nội trợ Việt đã rất thích thú với việc gói rau bằng lá chuối. Khách hàng tìm đến cửa hàng ngày một nhiều thì không những người nông dân bán được hàng, mà bản thân mình cũng có niềm vui trọn vẹn khi kinh doanh nhưng không làm hại đến môi trường”, Thảo nói.

“Những nơi có thể lan tỏa thông điệp sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường là các cửa hàng mua sắm, các điểm bán hàng, siêu thị… Chúng ta chủ động ngưng sử dụng túi ni lông và thay thế bằng sản phẩm thân thiện môi trường thì khách hàng nhất định sẽ hưởng ứng”, Nguyễn Anh Thảo

Theo Ngô Bình/Tienphong.vn