Nghệ An:
Người dân quê lúa "hái ra tiền" nhờ nghề đóng thùng tôn
(Dân trí) - Nhiều năm qua, người dân quê lúa xã Viên Thành, Yên Thành (Nghệ An) đã "sống khỏe" nhờ nghề đóng thùng tôn. Công việc này không những có thu nhập cao mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.
Nghề làm thùng tôn ở vùng quê lúa xã Viên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) được manh nha cách đây gần 20 năm.
Đặc biệt trong khoảng 5 năm trở lại đây, nghề này phát triển rất nhanh. Tới nay, toàn xã có gần 10 hộ gia đình đầu tư làm thùng tôn, tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Trước đây, nghề đóng thùng tôn chỉ là nghề phụ nhưng hiện là công việc "hái ra tiền" với nhiều hộ dân địa phương.
Để hoàn thành một bộ thùng tôn, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như: Cắt tôn ra thành từng vành, vào thép, sau đó bẻ 2 đầu vành ghép lại thành hình tròn rồi lắp thêm đáy thùng.
Anh Nguyễn Hữu Trình (SN 1974, trú ở thôn 5, xã Viên Thành) đã có hơn 15 năm kinh nghiệm với nghề đóng thùng tôn. Theo anh Trình, nghề này chỉ "ăn nên làm ra" vào trước vụ thu hoạch lúa. Trước đây, nghề này chỉ sản xuất theo thời vụ nhưng hiện tại thì làm quanh năm do nhu cầu sử dụng và thị trường được mở rộng hơn.
"Mỗi năm, gia đình tôi sản xuất khoảng 10.000 thùng tôn và quạt lúa, tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động. Trừ các khoản chi phí cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm", anh Trình cho biết thêm.
Tương tự, gia đình ông Bùi Văn Đài (ở thôn 5, xã Viên Thành) cũng là một trong những hộ làm thùng tôn có quy mô. Năm nay gia đình ông làm khoảng 5.000 thùng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, vào giai đoạn cao điểm có 10-12 lao động. Mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 50-80 triệu đồng từ nghề này.
Theo ông Đặng Quang Hoàng, Chủ tịch UBND xã Viên Thành, huyện Yên Thành, nghề làm thùng tôn đựng lúa ở xã Viên Thành đã trở thành một nghề chính của nhiều hộ dân.
Trước đây, các hộ dân học nghề này ở các tỉnh phía Bắc rồi sau đó phát triển dần. Hiện nay nghề đóng thùng tôn trên địa bàn xã đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động, ngoài ra còn có hàng chục lao động chuyên đi buôn bán loại sản phẩm này.
So với các nghề khác thì nghề làm thùng tôn có nhiều ưu điểm như: Thu nhập ổn định, không gian làm việc trong bóng mát... Bên cạnh đó, không chỉ dành cho nam giới mà nghề này phụ nữ cũng có thể làm tốt.
Chị Đặng Thị Hợi, xã Viên Thành trước đây đi làm công nhân may nên phải xa nhà thường xuyên. Khi trên địa bàn phát triển nghề đóng thùng tôn, chị đã xin vào làm nên thuận tiện nhiều việc hơn.
"Mỗi ngày tôi làm 8 tiếng nhưng không áp lực, trung bình mỗi tháng thu nhập từ 7-8 triệu đồng. Bên cạnh đó, sáng sớm tôi có thể tranh thủ chở con đi học, buổi trưa về nấu ăn cho gia đình...", chị Hợi chia sẻ thêm.
Được biết, trung bình mỗi năm các hộ làm nghề ở Viên Thành sản xuất trên dưới 50.000 bộ thùng tôn. Do nhu cầu tiêu thụ lớn nên chính quyền địa phương luôn khuyến khích các hộ dân mở rộng quy mô, vừa tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương lại vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng nông nghiệp.
Trước đây người dân chủ yếu dùng sập gỗ, cót tre… để đựng lúa nhưng không an toàn thì nay đã được thay thế bằng thùng tôn. Mỗi bộ thùng tôn có chiều cao từ 1,5-2 m, đựng được 8-10 tạ lúa và có giá từ 400.000 - 500.000 đồng. Thùng tôn tiện lợi, giá cả phù hợp, đang dần trở thành vật dụng ưa chuộng của người nông dân. Chính vì vậy làm thùng tôn là nghề giúp nhiều người dân "sống khỏe".
Sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn và có giá trị sử dụng cao nên thùng tôn đựng lúa của xã Viên Thành không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn được thương lái đưa vào tận các tỉnh Bình Định, Quảng Nam và sang cả Lào.