Gia Lai:
Người đàn ông miệt mài hơn 30 năm giữ nghề làm lồng đèn trung thu
(Dân trí) - Khách mỗi ngày một thưa nhưng suốt 30 năm qua, gia đình ông Từ Tiến Huy ở Gia Lai vẫn bền bỉ, tỉ mẩn với nghề làm lồng đèn truyền thống. Công việc tất bật nhất vào dịp Tết Trung thu.
Mùa Tết Trung thu, ông Từ Tiến Huy (68 tuổi, trú ở phường Diên Hồng, TP Pleiku, Gia Lai) lại tất bật làm những chiếc lồng đèn thủ công để kịp giao cho khách đúng hạn.
Trong căn nhà nhỏ là hàng trăm chiếc lồng đèn Trung thu được treo khắp nơi trên tường. Ông Huy cho biết, năm 1992, ông nghỉ hưu ở cơ quan và cùng vợ mở một quán tạp hóa nhỏ để buôn bán.
Mỗi mùa Tết Trung thu, vợ chồng ông lại lấy nhiều đồ chơi và lồng đèn ở tỉnh khác về bán.
Thấy mỗi dịp Tết Trung thu, lồng đèn bán rất chạy nên ông cũng mày mò để làm cho vợ bán. Ban đầu, ông làm những chiếc lồng đèn ông sao treo ngoài quán bán.
"Hồi mới bén duyên với nghề, tôi đã mua vật liệu về làm, rồi tự thiết kế mẫu chiếc lồng đèn ông sao đủ loại, đường kính từ 0,8-1,6m. Sau khi làm xong, tôi treo trước nhà và không ngờ những chiếc lồng đèn của mình được nhiều trẻ em yêu thích, hỏi mua. Từ đó, mùa Tết Trung thu nào, tôi cũng làm lồng đèn ông sao, cá chép, thuyền, con gà", ông Huy vui vẻ chia sẻ.
Theo ông Huy, mọi nguyên liệu để làm lồng đèn đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Tre, trúc, giấy kiếng, khung đèn ông sao phơi la liệt khắp trong nhà, ngoài sân.
Quy trình làm lồng đèn khá phức tạp nhưng quen rồi, từng việc thực hiện khá đơn giản. Người làm chỉ cần nắm cơ bản 3 công đoạn chẻ tre, nứa, tạo khung, dán giấy và vẽ trang trí là có thể hoàn thành một chiếc lồng đèn.
Quy trình làm ra một chiếc lồng đèn đòi hỏi nhiều bước và sự tỉ mỉ trong từng khâu. Trước hết phải chẻ tre hoặc trúc để làm khung sườn mẫu, công đoạn này quan trọng nhất, bởi lồng đèn có đẹp, cân đối hay không là nhờ bộ khung sườn. Sau đó, dán đèn bằng giấy kiếng hay các loại giấy màu khác và trang trí.
Công đoạn dán giấy cũng rất quan trọng, chiếc lồng đèn đẹp cần phải khéo léo khi căng giấy dán để không bị rách. Để kiểu dáng lồng đèn vừa đẹp, người làm phải tuân thủ mức độ an toàn khi thắp nến lên bên trong.
"Hành nghề hơn 30 năm, tôi thấy công việc này cần rất nhiều thời gian và sự tỉ mỉ, nếu không đam mê, yêu thích thì khó có thể theo đuổi được. Người thợ cần phải sáng tạo trong nét vẽ, đường bút phải dứt khoát, thanh thoát, phối màu hài hòa thì lồng đèn mới đẹp được", ông Huy nói.
Trung bình mỗi mùa Tết Trung thu, gia đình ông Huy hoàn thành trên dưới 200 lồng đèn ông sao và lồng đèn lớn. Những lồng đèn lớn ông tự làm, có giá dao động 300.000-1.000.000 đồng/chiếc, tùy theo kích thước, kiểu dáng, hình thù khách đặt. Các lồng đèn đường kính từ 0,8 trở lên, được ông hoàn thành trong vòng 2 ngày.
Ngoài ra, ông còn nhập thêm lồng đèn ông sao từ các cơ sở sản xuất ở Sài Gòn, Hà Nội về bán với giá 8.000-15.000 đồng/chiếc.
Cứ mỗi mùa Tết Trung thu, lồng đèn truyền thống ít dần, thay vào đó là những chiếc lồng đèn điện tử, làm bằng nhựa. Số lượng lồng đèn ông làm cũng vì thế mà giảm dần theo từng năm.
Giờ đây, khách hàng chính của ông chỉ là các tập thể, trường học thường xuyên tổ chức chương trình Trung thu.
Ông Huy cho hay: "Trên thị trường xuất hiện nhiều đèn lồng mẫu mã khác nhau nhưng đèn ông sao truyền thống mang ý nghĩa đặc biệt. Nó vừa là biểu tượng cho ngôi sao năm cánh trên quốc kỳ, vừa thể hiện cho ước muốn hòa bình của người Việt Nam".
Theo tìm hiểu, ông Huy là một trong số những người hiếm hoi ở TP Pleiku còn làm lồng đèn thủ công để bán. Tuy chỉ là công việc thời vụ nhưng đó là niềm đam mê, đã gắn bó với ông suốt hơn 30 mùa trung thu.
Cũng vì thế, trải qua nhiều thăng trầm, ông Huy càng muốn giữ nghề. Dù có khó khăn như thế nào, gia đình ông vẫn cố gắng bám nghề, vẫn miệt mài ngày đêm "thắp sáng" những chiếc đèn trung thu truyền thống với mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian tươi đẹp của Việt Nam.