1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người dân ồ ạt chặt bỏ cây "vàng trắng", chạy theo cây "tỷ đô"

Trung Thi

(Dân trí) - Chỉ trong 3 tháng, hơn 200ha cây cao su bị người dân ở huyện Sông Hinh, Phú Yên chặt bán thân gỗ để chuyển sang trồng sầu riêng, vì cho rằng giống cây ăn quả này cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) là một trong những địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất tỉnh Phú Yên với gần 1.400ha. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng gần đây, ở địa phương này xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt chặt phá cây cao su để bán thân gỗ, chuyển sang trồng cây sầu riêng.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí vào giữa tháng 7, nhiều vườn cao su bị cắt dọn, máy đào, máy múc được thuê để múc cả gốc bán củi. Ngay cạnh vườn cao su bị san phẳng, các cây sầu riêng giống được trồng mới vài tháng, cao chừng 50cm.

Người dân ồ ạt chặt bỏ cây vàng trắng, chạy theo cây tỷ đô - 1

Trong vòng 3 tháng, hơn 200ha cây cao su ở xã Ea Bar bị thanh lý để chuyển sang trồng cây sầu riêng và một số loại cây khác (Ảnh: Phú Khánh).

Bà Hoan, ở huyện Sông Hinh cho biết nhà bà có hơn 1ha cây cao su, 2 ngày mới cạo được khoảng 50kg mủ. Thời điểm giá mủ thấp chỉ khoảng 11.000 đồng/kg, tính ra 1ha cao su, cả công cạo thu được hơn 270.000 đồng/ngày.

"Cùng diện tích, nhưng người ta trồng cây sầu riêng thu vài trăm triệu đồng mỗi năm, còn mình thì chỉ đủ đi chợ, mua mắm. Xuất phát từ tâm lý này mà nhiều người dân chặt phá bỏ cây cao su để trồng sầu riêng và các loại cây khác", bà Hoan cho hay.

Theo thống kê của UBND xã EaBar, từ tháng 4 đến nay, có khoảng hơn 200ha cây cao su ở địa phương bị người dân thanh lý.

Ông Lê Mô Y Bông, Phó Chủ tịch UBND xã EaBar, nhận định nguyên nhân người dân phá cây cao su là giá mủ của loại cây này thấp, kéo dài trong nhiều năm liền. Trong khi đó, những năm gần đây, cây sầu riêng đem lại giá trị kinh tế cao.

Người dân ồ ạt chặt bỏ cây vàng trắng, chạy theo cây tỷ đô - 2

Lãnh đạo xã Ea Bar kiểm tra các vùng cây cao su bị chặt phá (Ảnh: Trung Thi).

"1ha sầu riêng, sau khi trừ chi phí, người dân có thể lời lên đến 500 triệu đồng/mùa, trong khi đó 1ha cao su mỗi ngày người dân chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân quyết định thanh lý cao su để trồng sầu riêng và một số loại cây có giá trị kinh tế hiệu quả hơn", Phó Chủ tịch UBND xã EaBar cho hay.

Cũng theo chính quyền xã EaBar, hiện nay giá thu mua mủ cao su đã tăng khoảng 40% so với cùng kỳ ở mức 14.800 đồng/kg.

Mặt khác, cây cao su mang lại lợi ích kinh tế ổn định, lâu dài, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân ở địa phương. Khi cây hết chu kỳ khai thác vẫn có thể bán thân lấy gỗ với giá khoảng 150 triệu đồng/ha nên người dân cần thận trọng khi chặt, phá hàng loạt.

Người dân ồ ạt chặt bỏ cây vàng trắng, chạy theo cây tỷ đô - 3

Chính quyền khuyến cáo người dân cần thận trọng khi chặt phá cây cao su hàng loạt (Ảnh: Trung Thi).

Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết huyện vẫn xem cây cao su là cây chủ lực của địa phương với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở đồng bào vùng cao. Mục tiêu đến năm 2030, toàn huyện phấn đấu đạt diện tích diện tích 4.500ha.

Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh khuyến cáo người dân không vội vàng thanh lý cây cao su, đồng thời sẽ chỉ đạo các xã có diện tích cây cao su cần có biện pháp định hướng cho người dân trong thời gian tới.

Vào năm 2010, người dân ví von cây cao su là "vàng trắng" bởi lợi ích kinh tế của cây này mang lại cao, có thời điểm mủ cao su được xuất khẩu với giá 80 triệu đồng/tấn, nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ trồng loại cây này.

Giai đoạn 2010-2011, kim ngạch xuất khẩu cao su tăng vượt bậc, đạt 2,3-3 tỷ USD. Tuy nhiên, những năm sau đó, giá mủ cao su lao dốc, có thời điểm tiền bán mủ không đủ trả cho nhân công thu hoạch.