Nghệ An:
Hái "lộc biển" nơi cửa lạch
(Dân trí) - Tại cửa lạch Quỳnh Lập (Nghệ An), những con thuyền trở về sau chuyến vươn khơi luôn chứa đầy các sản vật của biển. Đây cũng là nơi mưu sinh của hàng nghìn lao động với đủ các nghề.
Nghệ An có 80 km đường bờ biển với nguồn hải sản phong phú, đa dạng, nơi đây cũng có nhiều cửa lạch (cửa biển), tập trung hàng nghìn lao động với đủ nghề mưu sinh nhờ "lộc biển".
Sáng sớm một ngày trung tuần tháng 5, chúng tôi có mặt tại vùng biển ở phường Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Nơi đây, từng tốp người đang đổ ra phía cửa lạch để mưu sinh.
"Nếu một ngày không nghe tiếng sóng vỗ, không nhìn thấy biển, con thuyền neo đậu nơi cửa lạch và con tôm, con cá, con hàu thì chúng tôi thấy thiếu lắm", cụ Lê Quế, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai chia sẻ.
Người dân làng vạn chài Quỳnh Lập lúc nào cũng nhộn nhịp với đủ mọi công việc để kiếm tiền và nhiều lứa tuổi có thể tham gia.
Không chỉ người dân miền biển, du khách thập phương khi đến đây đều có cơ hội trải nghiệm những nghề kiếm sống thường ngày của ngư dân địa phương.
Chị Nguyễn Thị Chín là một thợ câu cua lão luyện ở bãi đá ven biển. Đều đặn mỗi ngày, cứ 4-5h sáng, chị mang theo đồ nghề ra bãi câu.
"Câu cua đá là nghề tôi đã gắn bó từ nhỏ. Ngày nào nước xuống, tôi câu được nhiều hơn. Có khi không cần câu, tôi chỉ cần lật những tảng đá lên là bắt được cua. Cũng có khi cua nằm trong khe, tôi cũng chỉ cần móc sắt là lôi được nó ra", chị Nguyễn Thị Chín chia sẻ.
Một buổi sáng đi câu vài tiếng đồng hồ, chị Chín cũng bắt được 2-3 kg, giá mỗi kg cua đá từ 130.000-150.000 đồng.
Với nhiều người dân địa phương, chỉ cần một buổi ra bãi biển vài giờ đồng hồ, mỗi người một việc cũng có thể kiếm được hàng trăm nghìn đồng từ công việc câu cá bống, mổ hàu, nhổ rau câu, cạy vẹm, câu cua đá, vớt ruốc, cào ngao… Nếu nước ròng, công việc kiếm "lộc biển" càng thuận lợi hơn.
Nhịp sống mưu sinh của người dân ven biển Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai cứ đều đều theo từng con nước mỗi ngày.
Không đi bãi như bao người khác, chị Lê Thị Gấm - một người có kinh nghiệm nướng cá hàng chục năm nay tại cảng chia sẻ: "Ngày nào thuyền về, cá tươi thì thu mua của thuyền và nướng đem nhập cho các vùng trên. Mỗi lần nướng cũng phải hơn tấn cá tươi, nếu cá không ưng mắt thì nướng ít tạ thôi để thời gian đi phơi cá cơm, phơi mỗi khay cá cũng kiếm được hơn 100.000 đồng".
Với người dân miền biển ở xứ Nghệ, những chuyến vươn khơi bám biển không chỉ là mưu sinh mà đó còn là để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Sau những ngày đêm "ăn sóng ngủ cùng gió"…, từng con thuyền trở về đầy ắp "lộc biển" và cuộc sống nơi cửa lạch lại tấp nập, rộn ràng hơn bao giờ hết...