DMagazine

Người cựu tù Phú Quốc mong mỏi một tiếng gọi “Cha”

(Dân trí) - "Nếu như Tuyết Mai không quen gọi anh bằng cha thì anh sẽ vui lòng cho phép Tuyết Mai gọi anh bằng chú bộ đội, để chú bộ đội Phước được gần gũi bên cháu Tuyết Mai dăm ba phút cho đỡ tủi lòng...”.

Người cựu tù Phú Quốc mong mỏi một tiếng gọi “Cha”

“Anh nghĩ rằng nếu như Tuyết Mai không quen gọi anh bằng cha thì anh sẽ vui lòng cho phép Tuyết Mai gọi anh bằng chú bộ đội, để chú bộ đội Phước được gần gũi bên cháu Tuyết Mai dăm ba phút cho đỡ tủi lòng...”.

Đó là những dòng tâm sự của liệt sĩ Nguyễn Trí Phước (quê xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An) trong bức thư dài 16 trang gửi cho người vợ đang ở quê nhà. Chiến tranh đã khiến niềm mong mỏi được gọi một tiếng “Cha” thiêng liêng và gần gũi ấy bị phá vỡ...

Người cựu tù Phú Quốc mong mỏi một tiếng gọi “Cha” - 1
Liệt sĩ Nguyễn Trí Phước (quê xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An).

13 năm vợ chồng, sống với nhau chưa đầy 4 tháng

Năm 1965, dù được giữ lại trường trung cấp Kỹ thuật 1 Hà Nội nhưng ông Nguyễn Trí Phước (SN 1934, trú xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An) vẫn xung phong “đi B dài vào Nam chiến đấu”.

Thời điểm đó cô con gái Nguyễn Tuyết Mai của ông mới được 3 tuổi. “Hẹn thống nhất anh sẽ về với mẹ con em”, ông nắm lấy bàn tay người vợ trẻ dặn dò chăm sóc nuôi dạy con cái, phụng dưỡng mẹ già, dạy bảo em thơ

Trong thời gian ông đi chiến đấu ở chiến trường, bà Lê Thị Hồng Minh (SN 1942) chỉ nhận được 2 lá thư của chồng, thư về đến tay đã 7-8 tháng, nhiều chỗ đã nhòe mờ không đọc được. Sau 2 bức thư đó bà bặt tin chồng. Dằn nỗi lo âu xuống, bà gửi con để đi học, phấn đấu đứng vào hàng ngũ đảng và được phân công về dạy học tại quê nhà.

Năm 1968, bà Minh nhận được giấy báo tử của chồng. Đau đớn đến ngất đi, tỉnh dậy, ôm đứa con gái bé bỏng mồ côi, bà tự dặn mình mạnh mẽ, vững vàng để thực hiện lời hứa trước khi chồng ra trận năm xưa.

Người cựu tù Phú Quốc mong mỏi một tiếng gọi “Cha” - 2
Bà Lê Thị Hồng Minh - vợ liệt sĩ Nguyễn Trí Phước.

Người vợ ấy đâu biết rằng: Chồng mình chỉ bị thương sau một trận đánh và sau đó bị địch bắt, đày ra nhà lao Phú Quốc.

Người chiến sĩ cách mạng kiên trung đã phải nếm trải mọi đòn tra tấn của kẻ thù. Năm 1973, Hiệp định Paris ký kết, Nguyễn Trí Phước được trao trả tự do. Những trận tra tấn của quân thù khiến ông tiều tụy, kiệt quệ. Đồng đội đã chuyển ông ra Bắc an dưỡng.

Nghĩ vợ đã nên duyên mới nên ông cũng chưa vội về mà ở lại Quảng Ninh tiếp tục điều trị vết thương. Ông viết thư về cho người thân nhưng cũng chỉ dám hỏi thăm vợ qua con bởi không muốn xáo trộn cuộc sống mới của bà.

Đến khi tình cờ gặp một người quen ở quê công tác ngoài này, ông mới biết người vợ trẻ vẫn  một lòng thờ chồng nuôi con. Nhưng thời điểm đó, vết thương chưa lành và sức khỏe còn yếu, ông không thể về thăm vợ con.

Người cựu tù Phú Quốc mong mỏi một tiếng gọi “Cha” - 3
Bức thư dài 16 trang giấy chất chứa tình cảm và niềm mong mỏi của liệt sĩ Nguyễn Trí Phước.

Còn bà, khi nghe người bạn báo tin chồng đang còn sống, an dưỡng ở ngoài Bắc, lòng đầy hi vọng nhưng bà cũng không dám tin. Hơn nữa, ngày đó chiến tranh đang hết sức ác liệt, tàu xe cách trở, bà cũng không thể đành lòng để mẹ già, con dại ở nhà đến ra Bắc tìm chồng.

“Năm 1973, tôi đang đi chợ thì nhận được tin báo “có anh bộ đội đến nhà tìm”. Vội vàng đạp xe về. Nhìn thấy người đàn ông dù gầy gò, mặt hoắt lại và lưng còng rạp, tôi nhận ra chồng mình rồi ngất xỉu vì vui sướng và hạnh phúc”, bà Minh kể.

Người cựu tù Phú Quốc mong mỏi một tiếng gọi “Cha”
Người cựu tù Phú Quốc mong mỏi một tiếng gọi “Cha” - 4
Bức thư gửi vợ của liệt sĩ Nguyễn Trí Phước được giới thiệu trong cuốn sách "Những lá thư lời chiến Việt Nam". Mới đây, gia đình bà Minh đã tặng bức thư cho Bảo tàng Nghệ An trưng bày, tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Một tháng phép qua nhanh, ông Phước phải trở lại trại điều dưỡng. Khi sức khỏe tốt hơn, ông được xuất ngũ, về với gia đình.

Tháng 8/1974, cậu con trai ra đời. Nhưng chỉ 2 ngày sau, vết thương cũ tái phát, ông Phước phải nhập viện cấp cứu và điều trị.

Tháng 10/1975, ông qua đời tại Viện quân y 4 và được công nhận là liệt sĩ.

“Chúng tôi là vợ chồng suốt 13 năm nhưng tính ra, số ngày sống với nhau không quá 4 tháng”, bà Minh trầm ngâm.

Uớc một lần được nghe tiếng gọi “Cha”!

Nối tiếp mẹ, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai cũng công tác trong ngành giáo dục. Bao nhiêu lần dạy bài văn “Chiếc lược ngà” cho học sinh là bấy nhiêu lần chị bật khóc.

Bởi lẽ, câu chuyện trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng giống với câu chuyện của chị. Chỉ có điều, một tiếng gọi “Cha” chị cũng không kịp thốt lên cho đến khi vĩnh viễn mất đi người cha thân yêu của mình.

Trong ký ức của cô bé Tuyết Mai 12 tuổi, hình ảnh cha là một người đàn ông cao lớn, khuôn mặt vuông vức, khôi ngô chứ không phải là người đàn ông lưng còng rạp, khuôn mặt méo mó với hàm răng đã rụng gần hết.

Cô đâu biết rằng, những trận đòn thù dã man nhất của giặc đã biến người cha đẹp đẽ của mình thành hình hài tiều tụy như thế.

Người cựu tù Phú Quốc mong mỏi một tiếng gọi “Cha” - 5
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai - con gái liệt sỹ Nguyễn Trí Phước. Gần nửa thế kỷ trôi qua, chị Mai vẫn day dứt về điều dại dột trẻ con năm xưa với người cha thân yêu của mình.

Bởi vậy khi gặp ông, Tuyết Mai nhất định không chịu nhận đây là cha Phước. Dù bà Minh đã làm đủ mọi cách, từ dỗ dành, thuyết phục đến dọa dẫm.

Nỗi lo sợ “ông bộ đội” kia cướp mất mẹ của mình như lời bông đùa trước đây của người hàng xóm khiến Mai ghét người mà mẹ vẫn bắt gọi là cha này. Mai cự tuyệt tất cả sự chăm sóc của cha và ngấm ngầm phản ứng những ép buộc của mẹ.

“Con bé luôn gọi trống không chứ nhất định không chịu gọi cha. Nếu tôi bắt ép nó quá hoặc sợ bị mẹ đánh thì nó chỉ gọi chống đối 1 cách lí nhí. Có lần, tủi thân, ông Phước vào giường nằm khóc như trẻ con. Thương chồng, tôi cũng chỉ biết động viên là do chiến tranh, rồi từ từ con sẽ hiểu”, bà Minh nhớ lại.

Người cựu tù Phú Quốc mong mỏi một tiếng gọi “Cha” - 6
Chị Mai (thứ 2 từ phải qua) và mẹ chụp ảnh tại gian trưng bày, giới thiệu kỷ vật của người cha thân yêu - liệt sĩ Nguyễn Trí Phước trong khuôn khổ chuyên đề "Kỷ vật thời hoa lửa" do Bảo tàng Nghệ An thực hiện nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

 Trong bức thư gửi dài 16 trang giấy gửi về cho vợ sau khi quay lại trại an dưỡng, ông đã tâm sự rất nhiều về nỗi đau đớn mà mình đang gánh chịu - nỗi đau đứa con ruột thịt không chịu thừa nhận.

“Mỗi lần ngồi chuyện trò với bầu bạn, họ kể chuyện tình cảm về con cái của họ, em có biết anh nghĩ gì và làm gì lúc đó không? Anh đã quay mặt gạt nước mắt khi liên hệ đến con mình đối xử với mình trong những ngày qua, rồi lặng lẽ ra đi để khỏi phải chứng kiến cái bất công tự nhiên ấy... Anh nghĩ rằng nếu Tuyết Mai không quen gọi anh bằng cha, thì anh sẽ vui lòng cho phép Tuyết Mai gọi anh bằng chú bộ đội để chú bộ đội Phước được gần gũi bên cháu Tuyết Mai dăm ba phút cho đỡ tủi lòng”.

Người cựu tù Phú Quốc mong mỏi một tiếng gọi “Cha” - 7

Suốt cuộc đời mình, chị Tuyết Mai vẫn luôn day dứt về điều dại dột những năm thơ bé.

“Khi cha qua đời, tôi được ông bà ngoại và người thân đưa lên bệnh viện. Lúc này, cha đã được khâm lượm, tôi chỉ kịp gọi một tiếng cha nhưng cha không còn nghe được nữa rồi...”, chị nghẹn lại, đôi mắt đỏ hoe.

Chiến tranh dẫu đã đi qua nhưng nỗi đau của nó vẫn còn dai dẳng, những nỗi đau không giống nhau.

Trưởng thành cùng nỗi đau chiến tranh khiến mỗi người thêm trân quý hơn giá trị hòa bình để biết sống trách nhiệm hơn với thành quả được đổi bằng máu xương của những thế hệ đi trước.