1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Tĩnh:

Những cựu binh viết "chuyện cổ tích" giữa đời thường

(Dân trí) - Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng những thương binh vẫn tiếp tục cống hiến hết mình cho xã hội. Họ đã viết nên những câu "chuyện cổ tích" giữa đời thường.

Vẫn "cháy" hết mình với quê hương

Trở về sau cuộc chiến giải phóng miền Nam, anh lính Nguyễn Văn Thạo (SN 1947, ở thôn Nam Hà, xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trở thành người thương binh hạng 2/4.

Trở về cuộc sống đời thường, dù có chân giả, nhưng việc đi lại của người cựu binh này vẫn khó khăn, nhất là tuổi ông đã cao, sức khỏe không còn được như trước.

Tuy vậy, trong cuộc sống, chính quyền và người dân nơi đây vẫn thường nhắc đến người cựu binh này với một sự khâm phục về lối sống nghĩa tình, tinh thần đóng góp xây dựng quê hương.

Những cựu binh viết chuyện cổ tích giữa đời thường - 1

Trở về sau cuộc chiến, cựu binh Nguyễn Văn Thạo (73 tuổi) bị mất một chân, phải đeo chân giả suốt hàng chục năm qua.

“Ở đâu có khó khăn, ở đâu cần sự chung tay góp sức vì quê hương, ở đó có bác Thạo. Nơi đây, ai cũng quý mến, trân trọng bác rất nhiều”- Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà Lê Văn Luyện nói về người cựu binh già.

Lối sống ấy của cựu binh Nguyễn Văn Thạo được ông Luyện thí dụ ngay trong việc chung tay với địa phương phòng chống dịch Covid-19 vừa qua.

Dù xã đã có khuyến cáo đối với người cao tuổi trên 60 nên ở nhà tránh dịch, nhưng ông Thạo vẫn xung phong tham gia ứng trực ngày đêm tại các chốt kiểm soát dịch ở địa phương.

Suốt một tháng ròng rã, khi 10 chốt chặn kiểm dịch của xã Kỳ Hà được mở ra, người lính già với chiếc xe đạp cũ vẫn đều đặn đúng giờ thay ca trực cho anh em.

Vết thương chiến tranh còn đau đớn khi trái gió trở trời vẫn không ngăn được ý chí, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ xông pha chung tay phòng chống dịch.

Những cựu binh viết chuyện cổ tích giữa đời thường - 2

Người cựu binh già tận tâm xịt dung dịch sát khuẩn cho người dân, phun hóa chất khử khuẩn cho các phương tiện ra vào chốt kiểm soát dịch ở thôn mình. Ảnh: Thu Trang

Bằng lời nói nhẹ nhàng, thuyết phục, người cựu binh già đã truyền đạt đầy đủ dễ nghe, dễ hiểu các chủ trương của Chính phủ, tỉnh, địa phương về công tác phòng chống dịch tới những người qua chốt.

Ông cũng tận tâm xịt dung dịch sát khuẩn cho người dân, phun hóa chất khử khuẩn cho các phương tiện ra vào chốt kiểm soát dịch ở thôn mình. Những người quên đeo khẩu trang, ông nhẹ nhàng nhắc nhở, thậm chí đeo khẩu trang cho họ.

Chưa hết, dù cuộc sống chưa dư giả gì nhiều, nhưng có những hôm ông còn lội bùn bắt cá trong hồ và xúc cả yến gạo để mang lên hỗ trợ cho bữa cơm của các lực lượng làm nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung ở xã thêm phần tươm tất.

"Bác Thạo khiến mọi chúng tôi hết sức nể phục. Có bác ấy chúng tôi thêm tự tin phòng chống dịch ở địa phương”- chị Lê Thị Hòa, một người dân ở thôn Nam Hà nói về cựu binh Nguyễn Văn Thạo trong những ngày phòng chống dịch Covid-19 ở địa phương.

Nói về hành động xung phong cắm chốt dịch Cocid-19, người lính già trải lòng: “Lúc chiến tranh chúng tôi cầm súng đánh giặc Mỹ, giữa thời bình khi Tổ quốc cần chúng tôi luôn sẵn sàng. Hơn thế nữa, các chiến sỹ tuyến đầu chống dịch mới là những người phải hy sinh rất nhiều điều riêng, phải chịu bao vất vả, phải ngày đêm đối mặt hiểm nguy. Nhìn họ, những người ở tuyến sau như chúng tôi lại phải càng góp sức thêm cho cộng đồng”.

Không chỉ “cháy” hết mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, trong cuộc sống đời thường, cựu binh Nguyễn Văn Thạo còn sống đầy nghĩa tình với bà con, là công dân gương mẫu trong các hoạt động, xây dựng đóng góp quê hương. Ông được bà con nơi đây hết sức yêu mến.

Cựu binh tặng xe lăn cho người nghèo 

Đến tổ dân phố 7, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh, hỏi về cựu binh Nguyễn Duy Tống (74 tuổi) không ai không biết đến. Nhiều năm nay, ông Tống lặn lội khắp nơi mua xe lăn cũ hỏng mang về sửa chữa để tặng lại cho bệnh nhân nghèo.

Những cựu binh viết chuyện cổ tích giữa đời thường - 3

Cựu binh Nguyễn Duy Tống đang sửa xe lăn cũ để tặng bệnh nhân nghèo. Ảnh: Anh Tấn.

Sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh  niên gia nhập đoàn xe 48, Cục Vận tải đường bộ. Trong những chuyến xe chở nhu yếu phẩm từ miền Bắc vào phục vụ chiến trường miền Nam, ông đã gặp bà Võ Thị Tuyết - người con gái Hà Tĩnh.

Khi đất nước hòa bình, ông bà nên duyên chồng vợ và sinh được 4 người con, ông chuyển về công tác tại Công ty Xây dựng 4 Nghệ Tĩnh và cũng từ đó, Hà Tĩnh trở thành quê hương thứ hai của ông.

Những năm tháng khó khăn, đồng lương ít ỏi nhưng vợ chồng ông đã nuôi 4 người con ăn học, trưởng thành. Nghỉ hưu, với kinh nghiệm những năm tháng làm trong ngành vận tải quân đội, ông cùng con trai mở một xưởng cơ khí nhỏ.

Với nghề sửa xe, ông vừa hạnh phúc vì tìm được nguồn sống nuôi gia đình, nhưng cũng góp phần khiến ông mang chứng thoát vị đĩa đệm. Chứng bệnh không ít lần khiến ông phải ngồi xe lăn.

Và rồi trong quá trình điều trị, sống chung với bệnh, hiểu được nỗi khổ của những bệnh nhân nghèo bị hạn chế vận động, ông đã nảy ra ý định biến phế liệu thành xe lăn để tặng bệnh nhân nghèo.

Những cựu binh viết chuyện cổ tích giữa đời thường - 4

Ông Tống hạnh phúc tặng xe cho một người bị bệnh gặp khó khăn trong đi lại ở TP Hà Tĩnh. Ảnh: Anh Tấn.

Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định tâm sự nỗi trăn trở của mình với vợ và con trai. Từ năm 2014, người cựu binh già đã trích một phần tiền lương hưu và trợ cấp thương binh hàng tháng để tìm mua những chiếc xe lăn cũ, hư hỏng chỉ còn bán phế liệu mang về nhà để sữa, lắp ráp lại thành chiếc xe lăn hoàn chỉnh.

Để hoàn thành một chiếc xe lăn, người cựu binh già mất nhiều ngày công, có khi phải bỏ thêm hàng trăm ngàn đồng mua phụ tùng lắp ráp, chế thêm cho hoàn chỉnh.

Những chiếc xe lăn này sau khi được sửa chữa sẽ đến với nhiều người nghèo là bệnh nhân bị liệt do tai biến, tai nạn giao thông, tai nạn lao động.

Nói về việc làm này trong 6 năm qua mà không nhớ rõ đã sửa chữa, tặng cho được bao nhiêu chiếc xe lăn, ông Tống tâm sự: “Nhiều hoàn cảnh thương lắm. Tôi mang xe lăn đến tận bệnh viện hay nhà tặng, nhận được chiếc xe lăn để di chuyển nhiều người đã bật khóc. Tôi thật sự ấm lòng, hạnh phúc khi chứng kiến những giây phút như thế”.

Ông Trương Quang Hiếu, Chủ tịch UBND phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh bày tỏ lòng cảm phục: "Vợ chồng ông Tống, bà Tuyết tuy đã tuổi cao, sức yếu nhưng lại có những hành động, việc làm rất thiết thực vì người nghèo. Hành động đẹp của ông bà đã khơi dậy những việc làm nhân nghĩa trong quần chúng nhân dân". 

Trên khắp cả nước còn biết bao người cựu chiến binh giàu nhiệt huyết, sống đầy trách nhiệm với người dân, quê hương, đất nước như tấm lòng của hai cựu binh Nguyễn Duy Tống, Nguyễn Văn Thạo mà chúng tôi đề cập ở trên.
Chính họ là những tấm gương sáng, những thí dụ cụ thể để thế hệ trẻ học tập, noi theo, làm những việc tốt đẹp cho đời.