Người cao tuổi châu Á muốn làm việc, tiếp tục đóng góp cho xã hội

Hiện có một thực trạng chung không thể tránh khỏi về tương lai việc làm tại châu Á, đó là rất nhiều người qua tuổi hưu vẫn sẽ phải hoặc muốn tiếp tục được đi làm.

Ngày 1/10 là Ngày Quốc tế người cao tuổi. Tại Hà Nội, Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam đã phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình và Tổ chức hỗ trợ người cao tuổi (HelpAge International) đã tổ chức buổi tọa đàm “Tiến tới công bằng cho mọi lứa tuổi”.

Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi, qua đó kêu gọi xã hội có cách nhìn nhận tích cực hơn về người cao tuổi ở Việt Nam, biến thách thức già hóa dân số thành cơ hội và tăng cường sự hiểu biết về động lực của một xã hội đang già hóa.

Dân số già đang là bài toán đau đầu đối với Chính phủ nhiều quốc gia tại châu Á, vì dân số già đồng nghĩa năng suất lao động sẽ giảm và quỹ lương hưu "phình lên". 

Người cao tuổi châu Á muốn làm việc, tiếp tục đóng góp cho xã hội

Nhiều Chính phủ tại châu Á đã tạo điều kiện cho người lao động được làm việc dù đã quá tuổi nghỉ hưu. Điều này cũng phù hợp với mong muốn của nhiều người cao tuổi tại khu vực đang có tỷ lệ già hóa dân số tăng lên nhanh chóng.

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm tạo công ăn việc làm cho người cao tuổi. Bà Yoshiko Iida năm nay 85 tuổi. Bà bán kem chống nắng và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp tại cửa hàng mỹ phẩm thuộc thương hiệu Pola ở ngoại ô Tokyo, Nhật Bản.

Đối với Công ty Pola, những nhân viên cao tuổi với mối quan hệ rộng lớn và sâu sắc được xây dựng qua hàng chục năm đến hơn nửa thế kỷ là một tài sản quý giá.

Tại Hàn Quốc, những người đang đợi để phỏng vấn xin việc xếp thành hàng dài. Hầu hết đều đang ở độ tuổi từ 50 - 60, những người đã gần ở tuổi nghỉ hưu hoặc phải nghỉ hưu nhưng vẫn quyết định tiếp tục tham gia thị trường lao động để cạnh tranh.

Còn tại Singapore, năm 2019, trước tình trạng dân số đang già đi, Thủ tướng Lý Hiển Long đã khuyến khích người cao tuổi và người về hưu tiếp tục làm việc chừng nào họ còn khả năng. Lời khuyến khích này được đưa ra trong bối cảnh Singapore đang có tỷ lệ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới và dân số ngày càng già đi.

Đối với những người cao tuổi vẫn mong muốn tiếp tục làm việc, họ cho rằng người cao tuổi không đồng nghĩa là sống phụ thuộc và càng không phải là một gánh nặng, đây chỉ là định kiến mà thôi.

Nhiều người cao tuổi cho biết, họ tiếp tục làm việc khi đến tuổi nghỉ hưu không phải chỉ để kiếm thêm thu nhập, điều cốt lõi là có thể tích cực tham gia các hoạt động xã hội, qua đó đóng góp lâu hơn cho kinh tế và mang lại niềm vui trong cuộc sống.

Rõ ràng, người cao tuổi thường được xem là những người có giá trị tri thức dày dặn với trải nghiệm phong phú qua năm tháng. Họ vẫn có thể tiếp tục lao động trực tiếp, kiếm ra thu nhập thông qua những công việc phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và kinh nghiệm của mình.

Theo VTV.VN