Ngư trường khát ngư dân
Mùa biển chính, nhưng hàng loạt tàu cá ngư dân miền Trung nằm bờ vì khan hiếm lao động. Rất nhiều chiêu thức thu hút ngư dân của các chủ tàu được đưa ra nhưng không hiệu quả.
Lao động lành nghề ngày càng khan hiếm khiến chủ tàu lo lắng. Ảnh: Hoài Văn.
“Chiều chuộng như con nít”“Một phần vì giá hải sản sụt thê thảm, phần nữa ngư phủ oải quá vì lệnh cấm biển kéo dài của phía Trung Quốc. Đi chuyến nào lỗ sặc chuyến đó, chẳng ai dám lên tàu” - anh Trương Văn Hay, chủ tàu ĐNa 90253, tâm sự…
Anh Hay cho tàu nằm bờ cả tháng nay, tính ra từ đầu năm anh mới chỉ đi 2 chuyến biển. Bình thường, với mỗi chuyến được trên dưới 17 tấn cá, anh thu đủ. Nhưng giờ đây, anh vẫn đang ôm cục nợ. “Chuyến vừa rồi, về cách đây gần 1 tháng, được 17 tấn cá, may mắn trúng một mẻ cá dưa 10 tấn, bán được gần 400 triệu. Với 13 lao động đi chuyến 27 ngày, trừ phí tổn, mỗi người chỉ còn thực nhận 3-4 triệu. Ai cũng la oái oái”.
Mấy ngày nay, sợ bạn thuyền bỏ đi, anh Hay phải ứng tiền trước cho chuyến biển sắp tới. “Cứ dăm bữa lại có anh đến mượn đôi ba triệu, nhỏ thì 5 trăm. Không cho mượn thì họ bỏ đi tàu khác ngay. Chiều bạn thuyền như chiều con nít” - anh Hay kể. Ông Bùi Trĩu - chủ tàu cá QNg 96639 (An Hải, Lý Sơn) mấy ngày nay đứng ngồi không yên, bởi thiếu bạn chài, dù đã phải khăn gói ra tận Hà Tĩnh rồi vào tận Khánh Hòa để tìm bạn chài nhưng cũng không đủ. Anh Nguyễn Khánh - thuyền trưởng tàu QNg 96017 (An Vĩnh, Lý Sơn) mấy ngày vừa rồi phải khăn gói lặn lội vào tận Bình Định để đặt cọc và “rước” bạn chài.
Ngư dân La Tình (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chủ 4 tàu đánh bắt xa bờ, tổng công suất trên 1.300 CV chuyên khai thác đánh bắt cá ngừ, cho biết: Từ đầu năm đến nay do thu nhập không cao nên các bạn tàu cũng bỏ dần. Trước, mỗi tàu anh bố trí 7 thuyền viên nhưng hiện tại chỉ 6 thuyền viên đảm đương với chừng đó công việc.
Trước kia mỗi chuyến biển thu về 2 tấn cá/ tàu, trừ chi phí mỗi người cũng được 6-8 triệu đồng. Giờ mỗi chuyến chỉ được khoảng 1 tấn cá, trừ chi phí nhiên liệu dư ra khoảng trên dưới 10 triệu đồng, cộng thêm các khoản kiếm thêm như câu mực và một số cá khác cùng lắm cũng chỉ được 4-5 triệu đồng/người. 32 lao động hiện đang làm cũng được anh tuyển từ khắp các tỉnh Nha Trang, Quảng Ngãi, Phú Yên… song cũng đang nơm nớp lo họ bỏ đi do thu nhập thấp. Nguồn nhân lực khan hiếm cộng với mất mùa nên phải 2–3 tháng tàu mới đi biển một lần thay vì đi đều mỗi tháng như trước kia.
Ngư dân non tay nghề vẫn phải dùng
Ông Huỳnh Văn Tạo (xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam) chủ ba tàu cá công suất lớn QNa 91144, QNa 90244 và QNa 90398 vừa kết thúc hành trình đánh bắt biển từ ngư trường Hoàng Sa về. Ông Tạo cho biết, vụ biển sáng trăng, ba tàu trúng đậm cá mực, nhưng giá thu mua thấp nên lời không nhiều, tiền lãi chia cho bạn tàu không được bao nhiêu, ông phải bỏ thêm tiền túi để trả thêm công.
Để ra khơi thường xuyên, ông Tạo cần duy trì từ 45–50 nhân công đi bạn cho mình. Tuy nhiên, thời gian gần đây ông phải chật vật tìm lao động, bởi hầu hết lao động lành nghề gắn bó đã nghỉ hết gần nửa do nhiều chuyến biển phải bù lỗ, thu nhập không cao. Ngoài ra, ngư dân lành nghề, làm ăn lâu năm đa phần nghỉ để chuyển sang nghề câu cá hố gần bờ. Hiện, cá hố được thương lái thu mua với giá từ 180 – 200 ngàn/kg nhập cho Trung Quốc nên thu hút nhiều lao động. “Trước đây, mỗi tàu thường đi là 15 – 16 người, nhưng nay vì thiếu bạn nên chỉ có 11 – 12 người” - ông Tạo cho biết.
Để bù đắp lượng lao động lành nghề đã nghỉ, ông Tạo và nhiều chủ tàu cá khác ở Tam Quang phải huy động đội ngũ lao động là người thân, anh em, bà con cùng đi biển. Trong số đó có nhiều người chưa lành nghề nên các chủ tàu phải vừa đánh bắt vừa dạy nghề cho họ, ảnh hưởng đến năng suất của đội tàu.
“Nếu lao động lâu năm, sóng cấp 5, cấp 6 vẫn có thể đánh bắt, nhưng nay vì lao động chưa lành nghề, nên chỉ dám đánh bắt khi trời yên biển lặng. Lao động chưa lành nghề, đâu dám làm liều”, ông Tạo nói.
Ông Trần Văn Nhân (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Quảng Nam) đang làm thủ tục để đóng tàu vỏ sắt công suất gần 1.000CV. Điều ông lo lắng nhất là tìm được lao động lành nghề cho tàu cá của mình sau khi hoàn thành. “Tàu vỏ sắt cần thêm nhiều lao động và tay nghề cao mới hi vọng làm ăn hiệu quả thu hồi vốn. Tàu chưa đóng nhưng tôi đã bắt đầu tìm người, để mai mốt xong là đi ngay”- ông Nhân cho biết.
Ông Mai Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã An Hải (Lý Sơn) cho biết, hiện rất ít chủ tàu cá ở Lý Sơn cho con kế nghiệp đi biển của cha ông, phần lớn họ đầu tư cho con học hành để lập nghiệp trên bờ, nên phần lớn ngư dân đi trên các tàu cá đều phải thuê từ trong đất liền nên không chủ động được nguồn lao động tại chỗ.
Theo ông Nguyễn Đỗ Tám – Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng, khan hiếm lao động biển đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng hiện nay đúng là báo động. Chính quyền cũng không thể can thiệp được. “Chỉ còn cách là các chủ tàu phải tự vận động. Họ phải có chính sách, lương thưởng thế nào để giữ chân bạn thuyền” – ông Tám nói.
Tại Bình Định, còn một nguyên nhân nữa khiến khan hiếm lao động, theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT Bình Định), là do số lượng tàu công suất lớn từ trên 90CV trở lên của tỉnh tăng mạnh. Năm 2013, tàu thuyền công suất từ 90–400 CV của Bình Định là 2.748 tàu; năm 2014 có 2.945 tàu; đến tháng 5/2015 có 3.050 tàu. Tuy nhiên theo ông Bình, tình trạng khan hiếm nhân lực biển của Bình Định vẫn chưa ở mức cao, ngư dân có thể tự khắc phục. Về lâu dài, Sở cũng định hướng cho ngư dân hiện đại hóa nghề cá, áp dụng công nghệ, máy móc để giảm nguồn nhân công nhưng vẫn đảm bảo năng suất và hiệu quả khai thác cao. |
Theo Báo Tiền phong