Đắk Lắk:

Nghịch lý sầu riêng người bán mỗi ký cả trăm nghìn, kẻ bán không ai mua

Thúy Diễm

(Dân trí) - Do chất lượng sầu riêng khác nhau, tại Đắk Lắk xảy ra thực trạng có vườn thương lái sẵn sàng trả 100.000 đồng/kg nhưng vườn kề cạnh chỉ mua giá rất thấp và thậm chí không ai mua.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cung cấp thông tin trên trong buổi họp báo ngày 22/8 khi giới thiệu về Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắk.

Phải làm sầu riêng tử tế mới tồn tại được

Bà Trinh cho biết, thời gian qua, chất lượng sầu riêng được nhiều người nhắc đến bởi thời tiết năm nay ở Đắk Lắk có mưa nhiều khiến một số vườn sầu riêng bị sượng nước, ảnh hưởng đến chất lượng và ảnh hưởng đến giá cả thu mua.

Nghịch lý sầu riêng người bán mỗi ký cả trăm nghìn, kẻ bán không ai mua - 1

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk phát biểu về các vấn đề liên quan chất lượng sầu riêng (Ảnh: Thúy Diễm).

Nữ Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk dẫn chứng, trong mùa mưa, có vườn vẫn được thương lái trả 80.000-100.000 đồng/kg nhưng vườn kề bên cạnh chỉ được trả khoảng 30.000 đồng/kg, thậm chí dừng mua.

"Từ thực tế cho thấy, nông dân cần phải thay đổi tư duy, không thể mạnh ai nấy làm mà phải tham gia vào hợp tác xã, thấy được tầm quan trọng của sự liên kết, của việc học tập khoa học kỹ thuật.

Cần kết hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông và nhà kinh doanh. Mùa vụ năm nay, nhiều nông dân đã thấy được sức mạnh của việc mua chung bán chung và việc phải làm sầu riêng tử tế mới tồn tại được", bà Trinh nhấn mạnh.

Cũng theo bà Trinh, mùa thu hoạch sầu riêng năm 2023, trên địa bàn huyện Krông Pắk có tình trạng tranh mua, tranh bán, bẻ cọc, bội tín giữa nông dân - doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp…

Nghịch lý sầu riêng người bán mỗi ký cả trăm nghìn, kẻ bán không ai mua - 2

Việt Nam chính thức được xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc (Ảnh: Thúy Diễm).

Có việc nhiều người không hiểu biết gì về sầu riêng cũng xây kho, cũng xuất khẩu và cả những doanh nghiệp gian dối với mã vùng trồng, gian dối trong đóng gói. Những đơn vị này đã dần bị loại ra khỏi vòng tròn chất lượng.

Do đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk mong muốn cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc, phải có các chế tài xử lý những nông dân, những doanh nghiệp làm không đúng dẫn đến việc đưa sầu riêng kém chất lượng ra thị trường và phải có những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về ngành hàng sầu riêng.

Đặc biệt, cần xử lý nặng những doanh nghiệp vi phạm, thậm chí là cấm vĩnh viễn xuất khẩu.

Tin vui được xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, thông tin về việc Trung Quốc vừa đồng ý nhập khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này.

Nghịch lý sầu riêng người bán mỗi ký cả trăm nghìn, kẻ bán không ai mua - 3

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk nói về tin vui được xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc (Ảnh: Thúy Diễm).

Ông Hà cho biết, đây là tín hiệu rất vui thúc đẩy ngành hàng sầu riêng phát triển mạnh mẽ. Địa phương đang chờ các hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai trong thời gian tới.

"Xuất khẩu sầu riêng tươi quá trình trải qua nhiều khâu, phải lựa chọn rất cẩn thận từ mẫu mã, kích cỡ… tốn kém trong chi phí vận chuyển. Trung bình xuất khẩu 3 container quả sầu riêng tươi chỉ được 1 container sầu riêng múi. Việc được xuất khẩu sầu riêng cấp đông sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt", ông Hà cho hay.

Cũng theo ông Hà, để xuất khẩu được sầu riêng cấp đông cần phải đầu tư các kho đông, các xe vận chuyển đảm bảo chất lượng, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn của đối tác… Do đó, đây sẽ là câu chuyện của năm 2025 và sẽ phát triển mạnh về sau.

Về định hướng phát triển sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Sở tham mưu đề án phát triển ngành hàng phát triển sầu riêng bền vững gồm 3 nhóm vấn đề.

Đầu tiên đó là tầm quan trong của quy hoạch vùng trồng sầu riêng. Phải xác định vùng trọng điểm, vùng không trọng điểm và vùng không trồng được sầu riêng. Việc này nhằm tránh tình trạng phát triển sầu riêng ở những khu vực không phù hợp sẽ rủi ro, thiệt hại.

Tiếp đến là việc đầu tư xây dựng đồng bộ (đường, điện, hạ tầng logistics…) cho vùng trọng điểm trồng sầu riêng.

Thứ 3 là việc nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm với sầu riêng; kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng; các tiêu chuẩn vệ sinh khác để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Về phía huyện Krông Pắk, sau khi có nghị định thư xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc, huyện đã trao đổi với các cấp mong muốn nếu được sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng, đăng cai việc xuất khẩu kho sầu riêng cấp đông đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc.

"Chúng tôi khát khao xây dựng huyện Krông Pắk là thủ phủ sầu riêng và khi đến với huyện, mọi người sẽ được thưởng thức sầu riêng cùng các sản phẩm liên quan sầu riêng chất lượng nhất. Phía huyện đang nỗ lực, phấn đấu để đạt được mục tiêu này", bà Ngô Thị Minh Trinh mong muốn.

Lễ hội sầu riêng Krông Pắk sẽ diễn ra ngày 31/8-2/9 với 12 chuỗi hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.