Nghỉ việc 1 năm vẫn không được giải quyết chế độ

Hàng tháng vẫn bị trừ lương đều đặn để đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), nhưng khi nghỉ việc, hàng chục công nhân của Nhà máy dệt Minh Khai (thuộc Công ty TNHH MTV dệt 19-5) không được nhận sổ bảo hiểm. Thậm chí ngay cả mức trợ cấp thôi việc cũng bặt vô âm tín…

Những công nhân hàng ngày vẫn mòn mỏi đến nhà máy để hỏi về quyền lợi của mình
Những công nhân hàng ngày vẫn mòn mỏi đến nhà máy để hỏi về quyền lợi của mình

Đến chết cũng không đòi được quyền lợi

Đó là thực trạng mà 31 cán bộ, công nhân của Nhà máy dệt Minh Khai đã phải hứng chịu từ nhiều tháng nay. Cá biệt có những người đã nghỉ việc được 1 năm, nhưng ngày ngày vẫn mỏi mòn tìm đến nhà máy và văn phòng công ty với hy vọng sẽ được cấp lãnh đạo giải quyết các chế độ cho mình.

Chị Nguyễn Thị Kim Lan, ở số 15/77 ngõ 8-3 phường Minh Khai nói: “Chúng tôi đều là những lao động lâu năm, đã cống hiến cả tuổi trẻ và sức khỏe của mình cho công ty. Người có thời gian công tác ít nhất tại đây cũng phải được 20 năm. Vậy mà bây giờ chúng tôi xin chấm dứt hợp đồng lao động thì không ai giải quyết. Không được nhận sổ BHXH, không được lĩnh trợ cấp thôi việc, đây là khoản tiền ít ỏi mà chúng tôi trông đợi để duy trì sinh hoạt hàng ngày, thử hỏi chúng tôi biết sinh sống bằng gì?”.

Cũng theo chị Lan, trong 31 cán bộ công nhân viên xin nghỉ việc thì có tới gần 10 người đã được công ty chấp nhận cho nghỉ từ tháng 12-2013, số còn lại là từ tháng 8-2014, nhưng không một ai được giải quyết chế độ.

Chị Dương Bích Huệ, nhà ở số 21, tổ 8 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai than thở: “Hầu hết công nhân làm việc trong ngành dệt đều là nữ. Ai cũng biết môi trường làm việc của công nhân dệt là vô cùng độc hại bởi thường xuyên phải tiếp xúc với bụi bông và hóa chất tẩy, nhuộm. Vì thế rất ít người đủ sức khỏe để công tác tới đủ độ tuổi về hưu. Nhiều người chỉ đợi cho đủ thời gian đóng BHXH là xin nghỉ bởi sức khỏe yếu và bệnh tật. Đồng lương cũng chẳng nhiều nhặn gì. Trong số công nhân chúng tôi hiện nhiều người lâm vào cảnh vô cùng bi đát, chỉ mong có chút tiền ít ỏi hàng tháng để chữa bệnh nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín”.

Theo chị Huệ, cùng nghỉ việc với chị có chị Phùng Thị Huyền Nga, ở phân xưởng Hoàn Thành 2. Sau một thời gian dài làm việc trong môi trường độc hại, chị Nga đã mắc chứng ung thư phổi và xin nghỉ việc.

“Lúc chị ấy nghỉ chỉ mong được giải quyết chế độ lấy tiền chữa bệnh, nhưng tháng 10 vừa qua chị ấy đã qua đời mà chưa hề được lĩnh một xu nào” – chị Huệ nghẹn ngào. Hay như trường hợp anh Nguyễn Quốc Thanh công tác tại phân xưởng Tẩy cũng mắc chứng ung thư phổi do tiếp xúc thường xuyên với hóa chất.

Anh Thanh đã chấm dứt hợp đồng lao động từ tháng 4-2014 và căn bệnh đã bước vào giai đoạn cuối. Dù đã nhiều lần kêu cứu, đề nghị lên lãnh đạo công ty xin giải quyết chế độ lấy tiền chữa bệnh nhưng đến nay vẫn không có kết quả. Một trường hợp khác là chị Đặng Ánh Tuyết ở phân xưởng Hoàn Thành 1 hiện cũng ung thư vòm họng giai đoạn cuối vì môi trường làm việc quá độc hại.

Hiện chị Tuyết đang phải truyền hóa chất và vẫn khắc khoải chờ đợi chút quyền lợi ít ỏi của mình để có thêm thu nhập phụ gia đình lấy tiền chữa bệnh.

Bao giờ mới giải quyết?

Để làm rõ câu chuyện của những công nhân khốn khổ này, chúng tôi đã tìm tới Nhà máy dệt Minh Khai gặp ông Nguyễn Khánh Quyền - Giám đốc nhà máy để hỏi cho ra nhẽ.

Ông Khánh Quyền lý giải: “Nhà máy dệt Minh Khai đã sáp nhập vào Công ty TNHH MTV Dệt 19-5 (Công ty 19-5) từ năm 2011. Tính từ 2011 trở về trước chúng tôi đều trừ lương và đóng BHXH cho công nhân đầy đủ. Nhưng từ khi sáp nhập với Công ty 19-5 thì chúng tôi chỉ được quản lý về mặt con người, còn mọi hồ sơ, giấy tờ và các chế độ BHXH đã chuyển hết lên để công ty phụ trách. Do đó, hiện nay giải quyết chế độ cho cán bộ, công nhân như thế nào thì các anh phải lên công ty để biết chứ bản thân chúng tôi cũng không thể trả lời được”.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi ông Quyền về địa chỉ của Công ty 19-5 để tới làm việc thì ông Khánh Quyền lại nói: “Trụ sở cũ của Công ty 19-5 vốn đóng ở 203 phố Nguyễn Huy Tưởng nhưng hiện tất cả đã chuyển về Hà Nam.

Mọi số điện thoại liên lạc với văn phòng công ty cũng đã thay đổi”. Phóng viên tiếp tục xin số điện thoại của ông Đỗ Văn Minh – Tổng giám đốc để liên lạc thì ông Khánh Quyền cho biết mình không có số. “Mà kể cả có cho số điện thoại thì các anh cũng chẳng thể gọi được vì anh Minh chẳng bao giờ nghe máy. Số của anh ấy thay đổi thường xuyên, đến chúng tôi muốn gọi cũng chịu. Thậm chí nhà máy muốn xin dấu của công ty cũng phải điện thoại với thư ký rồi hẹn ở đâu đó, thư ký sẽ mang con dấu tới và đóng cho chúng tôi” – ông Quyền nói.

Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng phóng viên cũng được một cán bộ (giấu tên) của Nhà máy Dệt Minh Khai cung cấp số điện thoại được cho là số của ông Tổng giám đốc Đỗ Văn Minh. Nhưng đúng như ông Quyền nói, chúng tôi gọi nhiều lần mà không hề có người nghe máy.

Được biết vừa qua Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cùng với Công đoàn dệt may Hà Nội đã có buổi làm việc với Công ty 19-5 xung quanh vấn đề giải quyết BHXH và trợ cấp thôi việc của những công nhân nói trên. Cũng tại buổi làm việc này, người lao động mới được biết hiện Công ty 19-5 đang nợ tiền BHXH của công nhân lên tới hơn chục tỷ đồng và số công nhân chưa chốt được sổ bảo hiểm lên tới 150 trường hợp. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến những công nhân đã nghỉ việc không thể đòi được quyền lợi của mình. Báo An ninh Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về câu chuyện này.
Theo Báo An ninh Thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm