1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quan điểm chuyên gia:

Nghỉ Tết 7 hay 10 ngày: Nghỉ... một ngày như Nhật Bản!

VN nên học hỏi theo các nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản chỉ nghỉ 3 ngày tết dương lịch và tết truyền thống chỉ nghỉ 1 ngày.

Nên gộp Tết Dương lịch vào Tết Âm lịch

Bộ LĐTB-XH vừa có dự thảo tờ trình Chính phủ về các ngày nghỉ lễ Tết năm 2017. Do dịp lễ Tết có ngày làm việc xen kẽ dịp nghỉ cuối tuần nên Bộ đưa ra các phương án với số ngày nghỉ khác nhau.

Tết Nguyên Đán 2017 sẽ có hai phương án nghỉ 7 hoặc 10 ngày. Phương án thứ nhất, công chức sẽ nghỉ từ 26/1 đến 1/2/2017 (tức 29 tháng chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng giêng năm Đinh Dậu).

Phương án thứ hai, công chức nghỉ từ 27/1 đến hết 5/2/2017 (tức 30 tháng chạp năm Bính Thân đến mùng 9 tháng giêng năm Đinh Dậu).

Trước các phương án trên, trao đổi với PV Báo Đất Việt, ngày 21/10, TS Phùng Văn Phách - Viện trưởng Viện địa lý và địa chất biển, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ VN cho biết: "Theo tôi nên kỷ niệm, chào đón năm mới vào Tết dương lịch, như các nước phương Tây.

Bên cạnh đó, Tết âm lịch vẫn làm nhưng chỉ ngắn, phục vụ cho nghi lễ truyền thống là chính, hãy coi đó là một ngày lễ trong năm như Tết Hàn thực 5/5, Tết Thanh minh 3/3, Rằm tháng 8, Rằm tháng 7...

Nên gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch
Nên gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch

Cả thế giới hiện nay chào đón Tết Dương lịch rất rầm rộ, chỉ có mỗi Việt Nam là im lặng, đến Trung Quốc nghỉ Tết âm lịch là chủ yếu, nhưng vẫn làm Tết Dương lịch rất hoành tráng. Trong quá trình hội nhập nhanh như hiện nay, Việt Nam vẫn còn quá chậm và tụt hậu.

Nếu đi theo con đường trí thức, hàng năm chỉ nên đón năm mới vào Tết Dương lịch, còn Tết Âm lịch coi đó là ngày cổ truyền, truyền thống của dân tộc mình. Và nếu được hãy gộp 2 Tết này vào thành 1, như cách Nhật Bản đang thực hiện.

Bên cạnh đó, theo ông Phách, nhà nước nên quan tâm đến việc hội nhập, làm sao tiện cho người lao động, chúng ta đừng khác biệt so với thế giới.

"Bây giờ không phải ai cũng thích được nghỉ Tết nhiều như ngày xưa, vì thời buổi công việc nhiều, như chúng tôi, các nhà khoa học thì nghỉ dài quá, công việc cũng khó giải quyết".

Nhìn ra các nước châu Á, cụ thể như Trung Quốc, theo ông Phách: "Như Nhật Bản là hợp lý nhất. Việt Nam cũng nên chỉ tổ chức Tết Dương lịch, coi đó là ngày Tết Âm lịch.

Tết Âm lịch chỉ nên nghỉ 1 ngày

Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm của mình về vấn đề trên, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, đất nước đang còn nghèo, năng suất lao động thì thấp, mà các cơ quan thì chỉ muốn được nghỉ dài ngày.

"Theo tôi nên rút ngắn thời gian các kỳ nghỉ, tính ra ngày nghỉ của Việt Nam hiện nay quá nhiều, những ngày lễ như 30/4-1/5 cũng nghỉ 4 ngày, ngày Quốc khánh cũng nghỉ 3 ngày. Riêng với nghỉ lễ Tết chỉ nên nghỉ 3 ngày vào Tết Dương lịch, còn Tết Âm lịch chỉ nên nghỉ 1 ngày mùng 1.

Ví dụ như ngay ở Singapore, một đất nước khá phát triển, có hơn 1 nửa dân số là người Trung Hoa, còn 1 nửa là người Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, tất cả đều nghỉ Tết Dương lịch.

Đây là các nước cũng đều có Tết truyền thống nhưng, thực tế Tết Âm lịch họ vẫn đi làm việc, chỉ có người gốc Tàu thì vẫn làm, nhưng chuyện chúc tụng, làm lễ cũng chỉ 1-2 ngày, chứ không kéo dài 7-8 ngày.

Nói cách khác, càng nghỉ nhiều người lao động chây ì, lười biếng không thích đi làm, còn người có việc thì không ai muốn nghỉ, đặc biệt người làm lương công nhật, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu".

Mặt khác, theo ông Xuân, nghỉ Tết nhiều sinh ra nhiều tệ nạn như rượu bia, cờ bạc, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Các cụ nói từ xưa đến nay chưa bao giờ sai "nhàn cư vi bất thiện". Chúng ta nên bỏ tết cổ truyền, nghỉ 2-3 ngày Tết Dương lịch, những ngày lễ còn lại như 2/9, Tết âm lịch chỉ nghỉ một ngày.

Như ở Nhật Bản họ rất thực tế, họ là người thay đổi Tết âm lịch trước nhất ở châu Á, gộp 2 Tết vào làm một.

Tất cả các hành động, chủ trương đều nghĩ đến làm giàu, nên đất nước mặt trời mọc phát triển mạnh, năng suất lao động cao, người Mỹ, người châu Âu rất đều nể người Nhật, cái gì làm cũng tốt, thu nhập bình quân cũng cao.

Riêng về bản thân mình, ông Xuân chia sẻ: "Ngày mùng 1, tôi thường đi chúc tết mọi người, anh em họ hàng thân thích, đi lên chúc tết một số cán bộ, mùng 2 tôi đã bắt đầu đi làm. Nếu là những người có công ăn việc làm, thậm chí lương cao thì họ sẽ không nghỉ nhiều, nếu công ty vẫn có việc.

Hãy tạo cho người lao động tâm lý thích làm việc, luôn cần cù và không có sự tồn tại của lười biếng, VN đang rất cần nâng cao năng suất lao động".

Theo Tuệ Mẫn/Báo Đất Việt