Quan điểm chuyên gia:
Nghỉ Tết 7 hay 10 ngày: Hãy kéo dài thêm kỳ nghỉ...
Vì kỳ nghỉ Tết là thời gian quý báu để nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng, nên hãy kéo dài, giúp người lao động có khoảng trống tĩnh dưỡng.
Tết truyền thống vô cùng thiêng liêng
Trước thông tin, Bộ LĐTB-XH vừa có dự thảo tờ trình Chính phủ về các ngày nghỉ lễ Tết năm 2017, với 2 phương án nghỉ 7 ngày và 10 ngày, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại VN cho rằng, nên nghỉ dài ngày, 10 ngày thì càng tốt.
Trao đổi cụ thể hơn với Đất Việt, ngày 22/10, ông Nam cho rằng, việc nghỉ nhiều hay nghỉ ít thì cũng còn phụ thuộc vào mục tiêu của Chính phủ. Nếu muốn tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế trong thời kỳ năm 2016, khi ngân sách khó khăn, năng suất thấp, thì phải tính tăng ngày làm việc, giảm ngày nghỉ.
Còn nếu thấy chỉ số tăng trưởng đã ổn, muốn dân chúng thoải mái trong những ngày lễ Tết thì tăng ngày nghỉ lên, giảm ngày làm việc.
"Lễ Tết truyền thống là ngày lễ mà người dân VN quan tâm nhất trong cả năm, dù là lễ Quốc Khánh, Giỗ tổ Hùng Vương, cũng không quan trọng bằng Tết Nguyên Đán.
Đây là ngày vui chung của dân tộc, là dịp để mọi người sum họp, đoàn tụ, chung vui cùng người thân, bạn bè. Cũng là thời gian để gặp gỡ, phụng dưỡng bố mẹ, ông bà, giải quyết những việc lớn của gia đình, họ tộc.
Là khoảng thời gian quý báu để mọi người nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng thể chất và tinh thần sau những ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi.
Những công nhân quê ở xa, đi làm cả năm trời, nghỉ ít ngày quá thì không thể về thăm quê, thăm gia đình, con cái. Đi xe ô tô, tàu thì không có đủ ngày nghỉ. Nhiều người hàng 4, 5 năm vẫn chưa thể về thăm quê, chỉ mong đến Tết được nghỉ dài có đủ thời gian để về.
Thậm chí, phải dành dụm thật lâu mới có đủ tiền mua vé máy bay tranh thủ bay về đoàn tụ gia đình. Tết được nghỉ dài ngày, mọi người có thể đi xe đò, tàu để về thăm quê, được ăn tết với gia đình mà vẫn còn đủ ngày để quay lại làm việc.
Nghỉ lễ kéo dài cũng là dịp mọi người tranh thủ dịp này nghỉ ngơi; tổ chức đưa gia đình đi chơi xa thăm bà con, họ hàng, đi du lịch, vui chơi, thư giãn. Chính vì thế, nên tôi ủng hộ việc nghỉ lễ Tết dài ngày", ông Nam phân tích.
Ngoài ra, theo ông Nam, nghỉ lễ dài ngày, người dân đi du lịch, mua sắm nhiều cũng là một cách kích cầu, thúc đầy nền kinh tế phát triển. Chưa kể sẽ tạo điều kiện cho một số ngành khác có thể phát triển như ngành du lịch, phục vụ ăn uống.
Việc nghỉ lễ nhiều sẽ là điều kiện tốt để mọi người nghỉ ngơi vui chơi cùng với gia đình, bạn bè, để phục hồi sức khỏe, hàn gắn các rạn nứt. Do vậy, nếu ta nghỉ lễ đúng với tinh thần thì khi làm việc lại chúng ta sẽ có hưng phấn hơn, làm việc có hiệu quả hơn.
Phản đối những ý kiến cho rằng học hỏi Nhật Bản, gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch, ông Nam nói rõ: "Những người này không có niềm tin, họ không sống với gia đình, họ tộc, quê hương, không biết tâm lý ngày Tết của người dân VN.
Ngày Tết có ý nghĩa thiêng liêng với người dân, từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, nên nghỉ dài ngày tôi ủng hộ, chứ còn gộp vào là không đúng".
Theo vị chuyên gia trên, chúng ta cứ lo ngại nghỉ thêm vài ngày thì năng suất lao động giảm đi, nhưng thực tế, đó chỉ là ý muốn chủ quan. Còn nếu cứ bắt làm việc những ngày Tết càng không có năng suất cao, họ vẫn làm, nhưng lơ đãng vì còn tranh thủ uống rượu, đi gặp họ hàng.
Chỉ có một vấn đề cần sửa ngay, đó là sau kỳ nghỉ Tết, thì phải bắt tay vào làm việc nghiêm túc, không bị ảnh hưởng bởi cái câu "Tháng giêng là tháng ăn chơi", đi lễ hội, đền chùa.
Rõ ràng trào lưu này đang gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị nói chung.
Nghỉ nhiều tốt cho người lao động
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, nên cho nghỉ dài ngày, vì dịp Tết là thời điểm mà các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM cần phải nghỉ ngơi, cần phải giảm áp lực về giao thông.
Tuy nhiên, trên quan điểm quản trị quốc gia, thì ngày nghỉ kéo dài sẽ kích thích tiêu dùng, làm các dịch vụ phát triển tốt hơn, nên Chính phủ sẽ phải tính toán cụ thể, kỹ càng về vấn đề này.
"Tôi cho rằng, phải tính toán phương án nếu cho nghỉ dài ngày thì lợi gì và hại gì, từ đó, đưa ra phương án hợp lý", ông Hòa nhấn mạnh.
Trước đây chúng ta được nghỉ tầm 4 ngày, còn nghỉ 7 ngày thì cũng đã là dài, nhưng bình thường ngày Tết cũng là ngày người lao động đi về thăm quê, gia đình, anh em, họ hàng gặp nhau, là thời gian tái tạo lại sức lao động sau một năm vất vả.
"Như bản thân tôi, vì làm nhà khoa học nên nghỉ dài hay ngắn cũng không quá đắn đo, vì không đi đâu xa, nhưng nếu nghỉ nhiều thì sẽ tốt cho người lao động là chính, nên cần có sự cân nhắc, nên đứng từ góc độ của họ", ông Hòa nhận định.
Theo Châu An/Báo Đất Việt