Nghỉ hưu theo tuổi khai trong hồ sơ cán bộ hay lý lịch đảng?

Ông Nguyễn Song Thao (Nghệ An) hỏi, hồ sơ gốc Đảng viên sinh ngày 10/10/1961 nhưng BHXH, BHTN, BHYT lại sinh ngày 10/10/1964. Vậy làm chế độ về hưu trong thời gian nào? Trình tự thủ tục ra sao?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Tại Khoản 1 Thông báo số 13-TB/TW ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định: Kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.

Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 5144/LĐTBXH-BHXH ngày 7/12/2017 hướng dẫn: Khi xem xét, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu theo Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội thì căn cứ vào ngày tháng năm sinh khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) để xác định tuổi đời của cán bộ.

Như vậy, trường hợp ông hỏi thì ngày tháng năm sinh của người lao động được căn cứ vào hồ sơ gốc của Lý lịch Đảng viên để xác định thời điểm nghỉ hưu.

Khi người lao động đủ điều kiện về tuổi để hưởng chế độ hưu trí thì công ty nộp hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đóng BHXH bao gồm: Sổ BHXH; Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (nếu nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp).