1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghỉ hưu sớm, tuổi thọ tăng: Cân đối quỹ BHXH ra sao?

(Dân trí) - “Tuổi hưu bình quân của nam là 55,6 tuổi và nữ là 52,6 tuổi, luật định lần lượt là 60 và 55 tuổi. Tính trung bình, tuổi thọ của nam đang là 78,1 và nữ là 79,5. Trong khi đó, tiền đóng BHXH trong 28 năm chỉ đủ để trả trong 8 năm…”

Nghỉ hưu sớm, tuổi thọ tăng: Cân đối quỹ BHXH ra sao? - 1

Ông Nguyễn Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), phát biểu tại Hội thảo cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng 29/11 tại Hà Nội.

Đánh giá của Vụ BHXH cho thấy, trên cơ sở thực tế, trung bình thời gian hưởng BHXH của người lao động đang là 24,7 năm, trong đó nam hưởng 22,5 năm và nữ hưởng 26,9 năm.

“Trong khi đó, thời gian đóng BHXH bình quân là 28 năm với tỉ lệ 21%, trong khi thời gian hưởng bình quân là 24,7% năm với mức hưởng trung bình 70,2%. Trong khi đó, nguyên tắc định đề ra là người lao động phải đóng 40 năm mới có thể được hưởng 20 năm lương hưu” - ông Vũ Trường Giang nói.

Trên cơ sở đó, đại diện vụ BHXH đặt vấn đề: Vậy ai sẽ là người chịu “gánh nặng” khi trung bình hiện nay số năm đóng BHXH là 28 năm nhưng chỉ đủ để chi trả trong 8 năm, nhưng thực tế người lao động đang hưởng tới 24,7 năm?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá về chính sách BHXH thời gian tới.

Để đảm bảo cân đối quỹ BHXH, theo vụ BHXH chỉ còn 3 phương án: Giảm tỉ lệ hưởng, tăng mức đóng góp hoặc kéo dài thời gian lao động (tăng tuổi hưu).

Đánh giá về thực trạng quỹ hưu trí và tử tuất, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ lo ngại: “Bên cạnh những kết quả tốt đã đạt được, chính sách bảo hiểm xã hội vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập”.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee, cho rằng: “Thách thức là làm thế nào có thể mở rộng độ bao phủ đến “nhóm ở giữa bị bỏ sót” – nhóm người không được tiếp cận cả với bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến tháng 9/2017 mới có hơn 14,6 triệu lao động tại Việt Nam tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng một phần tư lực lượng lao động.”

ILO khuyến nghị Việt Nam mở rộng an sinh xã hội cho những người trong khu vực phi chính thức thông qua kết hợp giữa chương trình có đóng góp và chương trình không dựa trên đóng góp nhằm hướng tới bao phủ an sinh xã hội toàn dân.

Đó là thực trạng diện bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, mức độ tuân thủ chính sách và quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc còn yếu trong khu vực chính thức, tỷ lệ tham gia thấp trong khu vực phi chính thức. Cả nước hiện từ 6-7 triệu người cao tuổi chưa có lương hưu.

Được biết, việc cải cách tham số nhằm hướng tới tương quan đóng - hưởng trong chính sách hưu trí đã được đặt ra trong quá trình hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội và gần đây nhất là Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi năm 2014.

“Tuy nhiên, trước bối cảnh về già hóa dân số, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm do tác động của yếu tố hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho quỹ hưu trí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khó cân đối trong dài hạn” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ đối mặt với nguy cơ khó cân đối trong tương lai gần. Một trong những nguyên nhân là tỷ lệ hưởng cao (tối đa 75%) và tuổi nghỉ hưu thấp, gia tăng số lượng người nhận bảo hiểm xã hội một lần, số lượng người nghỉ hưu trước tuổi khá lớn do suy giảm khả năng lao động và các yếu tố đặc thù khác như ưa đãi ngành nghề.

Tới dự và chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định vai trò to lớn của bảo hiểm xã hội: “Chúng ta đều biết, bảo hiểm xã hội được coi là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với quan điểm tiếp cận bảo hiểm xã hội là quyền an sinh xã hội mang tính phổ quát, gắn với mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp”.

Với thực trạng hiện nay, Phó Thủ tướng xác định, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ trọng lao động phi chính thức lớn và sẽ gặp phải nhiều thách thức khi xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội.

Trên cơ sở nhận định những tồn tại trong triển khai chính sách BHXH, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung khắc phục nhanh các hạn chế, yếu kém, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách BHXH như một công cụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững theo chủ trương của Đảng tại văn kiện Đại hội Đảng XII.

Cả nước có trên 14,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hằng năm, có từ 4 - 5 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và khoảng 150.000 người hưởng mới các chế độ BHXH dài hạn; gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hằng tháng. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Tổng LĐLĐ VN đề nghị sớm đưa ra xét xử một số vụ DN nợ BHXH

Tổng LĐLĐ VN vừa đề nghị Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao hướng dẫn TAND các cấp tiếp nhận, thụ lý các hồ sơ khởi kiện về nợ BHXH và sớm đưa ra xét xử một số vụ. Nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa, cảnh báo các hành vi tương tự.

Đề nghị trên xuất phát từ thực tế trong 187 hồ sơ nợ BHXH do công đoàn khởi kiện, có khoảng 100 hồ sơ lại tòa án không thụ lý giải quyết với 3 nhóm lý do chủ yếu như: Không có giấy ủy quyền những người lao động hoặc công đoàn cơ sở, cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện; không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và đề nghị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự và đây là tranh chấp lao động tập thể về quyền chưa được Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Tổng LĐLĐ VN cho rằng việc Tòa án không thụ lý các vụ khởi kiện nợ BHXH, do còn vướng mắc trong các quy định của pháp luật, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động làm cho số nợ BHXH tiếp tục gia tăng. Được biết hiện số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp lên tới gần 12.000 tỉ đồng, trong đó có hơn 2.000 tỉ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, tồn tại cầm chừng hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không thể thu hồi. Điều này làm ảnh hưởng tới quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN của hơn 193.000 người lao động.

Đ.A