1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề từng ăn nên làm ra ở làng biển trước nguy cơ xóa sổ

Dương Nguyên

(Dân trí) - Hai làng biển ở Hà Tĩnh từng một thời nức tiếng với nghề đóng tàu, tạo việc làm cho hơn 100 người. Song giờ đây, nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một, xóa sổ.

Hết thuở vàng son, máy móc phủ bạt

Những ngày cuối tháng 8, đôi bờ sông Vách Nam, nơi có thôn Đông Hà 1, Đông Hà 2 của xã Thạch Long (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), vắng lặng khó tả. Tàu thuyền đỗ trên sông nhiều ngày, chưa thấy dấu hiệu ra khơi trở lại. Một số chiếc đã cũ kỹ, phai màu, nứt nẻ nằm bờ.

Nghề từng ăn nên làm ra ở làng biển trước nguy cơ xóa sổ - 1

Thời điểm này, duy nhất chỉ cơ sở của ông Phan Trung Vinh có đơn đặt hàng đóng tàu mới (Ảnh: Nguyễn Dương).

Từng một thuở nơi đây nổi tiếng với nghề đóng tàu, giúp cả vùng "ăn nên làm ra". Giờ đây, âm thanh đục đẽo, tiếng cưa gỗ từng vang đều quanh năm, suốt tháng đã vắng hẳn. Thậm chí, nhiều cơ sở đóng tàu đã đóng cửa, nơi thì máy móc phủ bạt.

Thời điểm này, cơ sở của ông Phan Trung Vinh (60 tuổi, ở thôn Đông Hạ 2) là nơi duy nhất có đơn hàng đóng mới tàu vỏ gỗ. Nói là tàu nhưng loại này có công suất 9CV, chỉ nhỏ như chiếc đò. Để hoàn thiện phương tiện, xưởng chỉ cần ông chủ và một công nhân làm việc.

Nghề từng ăn nên làm ra ở làng biển trước nguy cơ xóa sổ - 2

Âm thanh đục đẽo, tiếng cưa gỗ dần vắng hẳn ở vùng biển Thạch Long (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Ngày trước, xưởng của tôi không nhận đóng loại tàu này, giờ có là vui, làm hết", ông Vinh nói.

Người đàn ông đã có hơn 40 năm theo cái nghề cha truyền con nối này. Thuở vàng son, xưởng ông Vinh lúc nào cũng có 8-10 công nhân làm việc. Mỗi năm, xưởng đóng mới 20 tàu thuyền, loại to nhất công suất 400CV.

"Nghề cho chúng tôi thu nhập ổn định, công nhân mỗi tháng được khoảng 10 triệu đồng, còn tôi làm chủ được khoảng 20 triệu đồng. Ngoài xưởng của tôi, vùng này có 5-6 xưởng khác, thu hút hàng trăm lao động. Hơn 2 năm nay, cơ sở nào cũng giảm lao động, có xưởng đã phải đóng cửa", ông Vinh nói.

Nghề từng ăn nên làm ra ở làng biển trước nguy cơ xóa sổ - 3

Nhiều cơ sở đóng tàu rơi vào thảm cảnh (Ảnh: Nguyễn Dương).

Cách đó không xa, cơ sở đóng tàu của ông Nguyễn Văn Quỳnh (51 tuổi, ở thôn Đông Hạ 1) gần như hoang lạnh. Chiếc máy cưa gỗ loại lớn, đường ray kéo tàu lên bờ trong xưởng... tất cả đều đã được phủ bạt cho đỡ nắng mưa, hỏng hóc. Còn mái che của xưởng thủng rách, ông chủ cũng chẳng buồn sửa hay thay mới.

"Tôi làm nghề đóng tàu từ năm 18 tuổi. Xưởng lúc nào cũng có 9-10 người làm việc, đóng tàu dài từ 5-20m, công suất 9 - 400CV. Một năm, chúng tôi đóng khoảng 15 tàu thuyền, ngoài khách trong vùng, còn có ngư dân từ Thanh Hóa, Nghệ An vào, Quảng Trị và Quảng Bình ra đặt hàng. Nhưng từ năm 2019 đến nay, lượng khách đến đặt hàng vắng hẳn. Trong năm nay, xưởng tôi chỉ mới đóng được 2 chiếc thuyền loại nhỏ. Vì thế, xưởng phải giảm lao động, chỉ còn 2-3 người làm việc", ông Quỳnh kể.

Nghề từng ăn nên làm ra ở làng biển trước nguy cơ xóa sổ - 4

Máy cắt gỗ cỡ lớn tại xưởng của ông Nguyễn Văn Quỳnh nằm phủ bạt (Ảnh: Nguyễn Dương).

Xưởng của ông Quỳnh nay chủ yếu nhận phương tiện đến sửa chữa, sơn tân trang nhưng không phải lúc nào cũng có khách.

Gian nan tìm giải pháp

Làng nghề rơi vào thảm cảnh như trên, chủ của những cơ sở đóng tàu và ngư dân nêu ra nhiều lý do. Cụ thể, những năm gần đây, nghề biển bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả xăng dầu, chi phí ra khơi cao. Trong khi đó, hải sản biển dần cạn kiệt, một phần vì môi trường bị ảnh hưởng, phần vì nguồn lợi đã bị tận diệt với phương pháp đánh bắt theo kiểu giã cào, dùng kích điện.

Vì vậy, ngư dân đánh bắt theo kiểu truyền thống "cứ đi lại lỗ". Họ không còn mặn mà ra khơi. Số tàu đóng mới từ đó giảm, bán để thay mới cũng không có khách mua.

"Biển cạn, tàu ít, thanh niên giờ bỏ đi tứ xứ làm ăn. Chúng tôi lo và buồn vì nghề đóng tàu dần mai một, không có lớp trẻ kế cận", ông Nguyễn Văn Quỳnh nói.

Nghề từng ăn nên làm ra ở làng biển trước nguy cơ xóa sổ - 5

Ông Nguyễn Văn Quỳnh buồn bã và lo lắng vì nghề đóng tàu truyền thống nhanh chóng mai một (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện lãnh đạo UBND xã Thạch Long cho biết, nghề đóng tàu thuyền ở địa phương có từ lâu đời, giải quyết việc làm, mang lại thu nhập tại chỗ cho nhiều lao động. Nhưng từ tháng 10/2019, quy định mới của Luật Thủy sản và nghị định Chính phủ yêu cầu cao hơn về diện tích nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá có hiệu lực.

Xét theo đó, các cơ sở tại Thạch Long đã không đủ đáp ứng yêu cầu về diện tích, còn thuộc diện tư nhân, không giấy phép. Chưa kể, đối với người dân, muốn đóng tàu cá cũng phải tìm đến các cơ sở đã được cấp phép hoạt động. 

Nghề từng ăn nên làm ra ở làng biển trước nguy cơ xóa sổ - 6

Để duy trì nghề, một số xưởng chuyển qua sửa chữa, sơn tân trang định kỳ cho các tàu (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trước những quy định mới, các cơ sở tại xã Thạch Long phải tạm ngưng đóng tàu lớn xa bờ, hiện chỉ đóng những loại bé.

Vẫn theo đại diện của chính quyền Thạch Long, quy định mới khiến địa phương và người dân đang gặp khó, lúng túng tìm giải pháp để giữ nghề truyền thống.

Trước mắt, địa phương đang tìm hướng cho các lao động làm nghề đóng tàu chuyển hướng sang nghề khác. "Xã cũng đang nhờ huyện tìm tòi nhiều nơi để đưa mô hình nghề mới về cho người dân địa phương", vị này nói.