Nhọc nhằn nghề "chữa bệnh" cho tàu
(Dân trí) - Trong cái nóng hầm hập giữa mùa hè, những người thợ sửa tàu vẫn cần mẫn tay búa, tay cưa… để chữa lành những chiếc tàu biển, chuẩn bị cho những chuyến ra khơi.
"Sửa tàu cũng như bắt bệnh cho người"
Đi dọc tuyến đê biển các xã Hưng Lộc, Ngư Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc, Hoa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), không khó để bắt gặp những cơ sở sửa chữa tàu cá. Sau những chuyến bám biển dài ngày, sóng gió, bão tố quăng quật, tàu lại được những người thợ ở đây khám chữa, "bắt bệnh".
Dưới cái nắng oi ả của mùa hè, người thợ sửa tàu miệt mài tay hàn, tay búa bên những khối sắt đen sì. Chốc chốc, chùm ánh sáng xanh, đỏ từ những mũi hàn lóe lên rồi tắt vụt.
Xưởng sửa chữa tàu biển của gia đình ông Nguyễn Văn Thuận (SN 1966, ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc) dù quá trưa vẫn nghe tiếng máy nổ xình xịch, tiếng cưa, đục, sơn trét…
Xưởng của gia đình ông Thuận không chỉ có tàu của ngư dân ở Hậu Lộc mà cả tàu ở Sầm Sơn, Nghi Sơn, Quảng Xương, thậm chí cả các tỉnh khác cũng được đưa về.
Theo ông Thuận, việc sửa tàu cũng như bắt bệnh cho người, bệnh nặng thì thời gian sửa chữa sẽ dài hơn. Làm nghề này phải bền bỉ, suốt ngày phơi nắng, nhất là công đoạn tháo và đóng bulông tốn hao nhiều sức lực. Có công đoạn cả ngày phải ngồi khom lưng dưới đáy con tàu, người lớn tuổi rất đau mỏi lưng.
"Để những con tàu có thể trụ vững, không bị vỡ trước gió bão, sóng quật, người thợ sửa tàu cũng như bác sĩ, không chỉ có tâm huyết mà tay nghề phải giỏi", ông Thuận chia sẻ.
Hàng chục năm trong nghề, theo ông Thuận, dù vất vả, cơ cực nhưng nghề này cho thu nhập ổn định. Thợ phụ thu nhập khoảng 300.000-400.000 đồng/ngày, mỗi tháng tính ra cũng kiếm gần chục triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Thợ chính thì công được tính ở mức khác hẳn.
Trong xưởng của anh Hoàng Văn Duyến, ở xã Ngư Lộc, các công nhân đang cặm cụi làm việc bên những cỗ máy cồng kềnh, ám mùi dầu nhớt, với đủ loại linh kiện máy móc.
Vừa thoăn thoắt giáng những nhát búa rắn rỏi, thợ sửa tàu Hoàng Văn Duyến vừa say sưa kể những câu chuyện nghề mà ông đã gắn bó hàng chục năm nay.
Theo ông Duyến, thợ đóng tàu cực nhọc không thua kém thợ phụ hồ nhưng khác ở chỗ, nghề này buộc người thợ phải tỉ mỉ, chính xác và trách nhiệm. Làm nghề này phải bền bỉ, suốt ngày phơi nắng, nhất là công đoạn tháo và đóng chốt tốn hao sức lực, muốn làm vỏ tàu bền, đẹp, chắc chắn, những người thợ phải giỏi nghề mộc và có sức khỏe.
Kinh nghiệm từng trải giúp anh Duyến có thể chẩn đoán khá chính xác những hỏng hóc bằng việc nghe máy tàu, thậm chí, đôi khi chỉ cần nghe mô tả triệu chứng qua điện thoại.
"Có những cuộc gọi lúc nửa đêm. Khi nhận được tin, tôi yêu cầu chủ tàu nói rõ biểu hiện của chiếc tàu. Nhiều lúc tôi thức tới sáng để hỗ trợ ngư dân sửa chữa tàu bị hỏng hóc trên biển. Nếu tàu bị hỏng một phụ tùng nào đó, tôi phải tìm cách gửi phụ tùng ấy ra biển cho họ thay thế", anh Duyến chia sẻ.
Lo nghề mai một
Ông Thuận cho biết, trước đây vùng này có tên là làng Hà Bạc, là làng thợ thuyền nức tiếng gần xa với nhiều thợ giỏi. Bấy giờ, làng chỉ sửa các loại phương tiện nhỏ, đánh bắt gần bờ.
Thấy được nhu cầu của người đi biển, sẵn nghề, ông Thuận đã mạnh dạn đầu tư mở một xưởng sửa chữa nhỏ. Tuy nhiên, thời gian đầu có thợ, có nghề, nhưng đồ dùng, cái gì cũng thiếu. Để đưa một con tàu lên cạn phải huy động hàng chục thợ thuyền dùng sức kéo tàu trên những con lăn. Công cụ của thợ thì cũng chỉ vài ba cái đục, cưa, bào… chứ không có máy móc, đường tải như bây giờ.
Những năm qua, xưởng sửa chữa tàu của ông Thuận luôn duy trì, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng chục lao động với mức thu nhập 350.000-380.000 đồng/ngày. Thời kỳ vàng son, vào những năm 2012, 2013, ở xưởng ông luôn có 30-40 lao động, mỗi năm sửa chữa cả trăm con tàu.
Ông chủ xưởng sửa chữa này cũng cho biết, tính đến nay, huyện Hậu Lộc có khoảng gần 700 tàu cá, trong đó có gần 300 phương tiện khai thác xa bờ. Trong khi, cả huyện hiện chỉ có 3 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền đủ điều kiện hoạt động.
Điều ông Thuận lo lắng chính là việc đào tạo lớp thợ kế cận. Để thu hút được lớp trẻ học nghề này hiện rất khó vì nghề vất vả, khó cạnh tranh được với nhiều ngành nghề khác. Hiện đa số lao động trong xưởng của ông đều đã ở độ tuổi trung niên.
"Bọn trẻ bây giờ thấy nghề này vừa vất vả lại làm việc trong môi trường bụi bặm, dầu mỡ đen đúa nên không mặn mà theo. Chỉ sợ rằng hết thời của chúng tôi là nghề cũng mất theo luôn", ông Thuận trăn trở.