1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề trực tổng đài taxi

Tổng đài của các công ty taxi là khâu làm việc trực tiếp với khách hàng, vì vây, tác phong giao tiếp của những nhân viên ở bộ phận này được “chăm chút” rất kỹ.

Các nữ nhân viên tổng đài không chỉ có chất giọng biểu cảm mà còn phải có các kỹ năng khác mới có thể đảm nhiệm tốt công việc tưởng như đơn giản mà lắm áp lực này.

Bộ phận tổng đài ở các công ty thường chia thành hai cấp bậc: trực điện thoại và điều hành. Nếu như nhân viên trực điện thoại chỉ cần thái độ niềm nở và chất giọng dễ nghe, thì bộ phận điều hành phải đạt yêu cầu của một “tấm bản đồ sống”.

Để được ngồi vào vị trí điều hành, nhân viên trực điện thoại thường phải trải qua ba năm kinh nghiệm làm việc trở lên. Theo những nhân viên ở khâu tổng đài của các công ty taxi, việc chuyên viên điều hành không chỉ rành rẽ đường sá mà còn biết các địa điểm văn hóa, giải trí sẽ thu hút hành khách là người nước ngoài.

Chị Lương Thị Tuyết Trinh - phó trung tâm điều hành taxi Mai Linh, cho biết: “ Với hành khách ngoại quốc, nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực, giải trí VN rất cao. Lúc đi xe, nếu muốn biết điều gì đó, họ sẽ trực tiếp hỏi tài xế. Thường thì tài xế giải đáp khá tốt các thắc mắc về shopping, địa điểm du lịch, giá cả khách sạn, địa điểm đổi tiền… Nhưng, khi khách hỏi đến những vấn đề thuộc về văn hóa, tôn giáo hay những địa điểm giải trí cao hơn nữa, tài xế phải “cầu cứu” đến người điều hành “giải tỏa” được các vướng mắc, hành khách rất thích, và chắc chắn lần sau họ sẽ gọi cho công ty khi có nhu cầu  đi taxi”.

Yêu cầu tuyển dụng nhân viên tổng đài taxi: bằng tú tài, chứng chỉ A Anh văn, giọng nói chuẩn và rõ ràng, rành rọt đường sá.

Nhân viên tổng đài sẽ làm việc theo ca, ca sau cách ca trước 24 tiếng. Lương trung bình là 1,5 triệu đồng, những tháng cao điểm, khách đông, thu nhập có thể lên đến 5-6 triệu đồng/ tháng.

Công việc của các chuyên viên điều hành quan trọng hơn nhân viên trực điện thoại, nhưng áp lực công việc thì ngược lại. Nhân viên trực điện thoại tổng đài là người trực tiếp nhận cuộc gọi từ khách hàng, nên họ cũng là người đầu tiên hứng chịu tất cả những nỗi bực bội của khách.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, công ty taxi Sài Gòn, tâm sự: “Mỗi khi khách gọi xe mà vì lý do nào đó tài xế đến trễ, thì người đầu tiên bị phàn nàn là nhân viên tổng đài. Khách xuống xe mà để quên đồ, người đầu tiên bị ‘hỏi cung” cũng là tổng đài…Thậm chí, có lúc sai sót hoàn toàn thuộc về hành khách, nhưng nhân viên tổng đài cũng phải cười nhận lỗi về mình”.

Dù có bị mắng oan, nhân viên tổng đài cũng không được phép phản ứng lại hành khách. Trong các công ty taxi lớn hơn Mai Linh, Deluxe… nhân viên trưc điện thoại tổng đài được huấn luyện để luôn mềm mỏng trước cơn thịnh nộ bất chợt của “thượng đế” mà tìm cách ứng xử khôn khéo để giải quyết những vướng mắc.

Ngoài ra, làm công việc này, họ còn phải “hy sinh” những ngày lễ tết - thời điểm khách gọi taxi đông nhất trong năm. Nhiều người trong cuộc cho biết, từ khi vào nghề này, họ thường xuyên đón tết hay những dịp lễ trong… phòng tổng đài.

Dù khó khăn như vậy nhưng hầu như các nhân viên tổng đài rất “say” công việc vì họ cũng nhận được khoản đãi ngộ tương đối hấp dẫn. Chị Tuyết Trinh, taxi Mai Linh, cho biết: “Lương bình quân của nhân viên tổng đài là 1,5 triệu đồng/tháng nhưng vào mùa lễ tết, chúng tôi được tăng những 300% chỉ số lương. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được nhiều khoản thưởng và được công ty cho đi du lịch“.

Theo Phụ Nữ TPHCM