Nghệ thuật đáp lại lời khen

Đối đáp ra sao khi nhận được những lời tán dương cũng là một nghệ thuật.

Nghệ thuật đáp lại lời khen - 1

Được khen ai chẳng thích, nhưng đáp lại những lời khen đó sao cho lịch sự thì không phải ai cũng biết

Thông thường, chúng ta đều chỉ vui sướng ở trong lòng chứ không thể hiện chúng ra ngoài. Tuy nhiên, đôi lúc, chúng ta cũng có thể nêu lên những quan điểm cá nhân của mình, bạn có thể chọn một trong ba cách: đồng ý, lảng tránh hoặc bác bỏ chúng. Dưới đây là một số điều bạn nên và không nên làm để đáp lại lời khen của một ai đó.

Đừng khiến người khác cảm thấy xấu hổ chỉ bởi vì họ đánh giá cao bạn

Không làm điều tương tự với đối phương

Khi nhận được những lời khen, bạn không nhất thiết phải đưa ra một lời khen tương tự cho đối phương. Bởi đôi lúc đó sẽ là những lời nói không trung thực. Đồng thời, bạn cũng nên chú ý để tránh việc “quá khen” một ai đó. Nếu như nhận được một lời tán dương, hãy chấp nhận và để mọi thứ thuận theo tự nhiên.

Không lờ đi những lời tán dương

Khi nhận được một lời khen, việc bạn lờ chúng đi sẽ khiến cho cuộc trò chuyện diễn ra không được thoải mái. Bên cạnh đó, đối phương có thể sẽ nghĩ rằng bạn chưa nghe thấy những lời họ nói và sẽ thật ngại nếu phải nói lại cùng một lời hai lần. Đối phương cũng có thể cảm thấy bối rối nếu như một lời khen được đưa ra lại không được người khác đón nhận.

Không tự hạ thấp bản thân

Nếu như bạn không để ý thì sẽ có những lúc bạn đưa ra những câu trả lời như: “Ồ không có gì đâu mà” hay “Thực ra ai cũng có thể làm được như vậy thôi”. Thế nhưng, đây lại chính là cách bạn đang tự hạ thấp bản thân mình. Việc bạn đưa ra một hai lí do để dung hòa những lời khen hay nói gì đó tiêu cực về bản thân cũng chính là một biểu hiện của việc lãng quên giá trị của chính bản thân bạn.

Những điều bạn nên ghi nhớ khi nhận được lời khen

Bày tỏ lòng biết ơn

Có nhiều cách để chúng ta có thể thể hiện lòng biết ơn của mình với một ai đó. Thế nhưng, lời cảm ơn có lẽ là cách đơn giản và dễ dàng nhất. Lời cảm ơn được đưa ra khi nhận được lời khen của ai đó cũng giống như việc bạn thừa nhận và đánh giá cao những gì họ nhận xét về bạn.

Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của bạn

Hãy luôn chú ý đến ngôn ngữ cơ thể hoặc biểu cảm khuôn mặt của bạn bởi chúng ta giao tiếp với nhau không chỉ bằng những lời nói thông thường. Khi bạn cảm thấy lo lắng hay không thoải mái, cơ thể có thể biểu hiện bằng những trạng thái khác nhau, đôi lúc người đối diện sẽ hiểu lầm rằng bạn đang gây sự chú ý. Chính vì vậy, trong các cuộc trò chuyện, hãy chú ý hơn đến ngôn ngữ cơ thể, nhìn vào mắt đối phương khi nói chuyện, nghiêng người về phía trước để có thể tập trung hơn vào câu chuyện và sử dụng những biểu cảm khuôn mặt để đôi bên đều cảm thấy thoải mái hơn.

Phải nói gì sau khi bày tỏ lòng biết ơn?

Đây có lẽ là điều khiến chúng ta cảm thấy bối rối nhất. Sau khi nói lời cảm ơn, bạn không biết phải nói hay làm gì tiếp theo. Lời khuyên được đưa ra ở đây là hãy dùng nụ cười để kết thúc câu chuyện của bạn một cách khiêm tốn và dễ chịu. Một cách khác mà bạn cũng nên cân nhắc chính là hãy thừa nhận những lời khen đó và dùng chúng để chuyển tiếp sang một chủ đề khác, đưa câu chuyện đi xa hơn.

Ví dụ: nếu bạn được chúc mừng vì đã giành được giải thưởng cho một cuộc thi hoặc được công nhận cho sự đóng góp của bạn trong một dự án, bạn có thể nói: “Cảm ơn rất nhiều! Tôi thực sự rất thích sự cạnh tranh khi làm việc trong dự án này...”.

Và rồi giải thích tại sao bạn lại thích điều đó.

Theo Doanh nhân Sài gòn