Nghề nào nguy hiểm nhất?
(Dân trí) - Người ta nói “sinh nghề tử nghiệp”, mỗi nghề đều có những khó khăn, nguy hiểm riêng và đôi khi không tránh khỏi “tai nạn nghề nghiệp”. Vậy nghề nào phải đối mặt với nhiều nguy hiểm nhất?
Lính cứu hoả
Lính cứu hoả phải bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân trong những trận hoả hoạn nguy hiểm bằng cách chiến đấu với ngọn lửa hung dữ. Họ phải “trực chiến” 24/24 và cả 7 ngày trong tuần, 12 tháng trong năm. Nghề này đòi hỏi phải có sức khoẻ dẻo dai, tinh thần thép và có thái độ hợp tác bởi lính cứu hoả phải luôn làm việc theo đội. Nghề này có thể khiến bạn căng thẳng liên miên nhưng cũng có thể khiến bạn cảm thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa khi cứu được những người gặp nạn và bảo vệ tài sản cho họ.
Phi hành gia
Môi trường làm việc của một phi hành gia không giống với bất cứ nghề nghiệp nào khác. Phi hành gia phải dành rất nhiều thời gian để học hành và thực tập trước khi được cử lên vũ trụ và đó có thể là một quá trình khó khăn, ngặt nghèo làm nản lòng nhiều người. Khoảng thời gian một phi hành gia được ở trong không gian vũ trụ làm việc là rất ngắn so với quá trình tập huấn tại trái đất.
Phi hành gia phải có khả năng chịu đựng căng thẳng, làm việc chính xác tuyệt đối và phải bình tĩnh để đương đầu với mọi việc bất ngờ xảy ra. Khi đạt được đến mục tiêu cuối cùng: ra ngoài không gian vũ trụ làm việc, họ cũng đồng thời phải chuẩn bị tinh thần trước mỗi chuyến đi, rằng ra đi có thể sẽ không bao giờ trở lại. Nghề này cũng đòi hỏi tinh thần hợp tác và sức lực dẻo dai, tinh thần vững vàng.
Cảnh sát chống bạo loạn
Cảnh sát chống bạo loạn có nhiệm vụ chính là xử lý những đám đông nổi loạn và những hành vi phá hoại. Đây là một nghề có tính mạo hiểm cao trong số các nhóm nghề của ngành cảnh sát. Để nhận dạng họ, bạn hãy hình dung những chiến sĩ cảnh sát với áo chống đạn, mũ bảo hiểm, khiên… và thường phải hết sức bình tĩnh để đối mặt trực diện, giáp lá cà với những người quá khích. Nghề này cũng đòi hỏi thể lực tốt và một tinh thần vững vàng, bản lĩnh.
Cảnh sát gỡ bom
Đây là một trong những nghề đòi hỏi kỹ thuật cao và sự chính xác gần như tuyệt đối để có thể đối phó với các loại bom mìn khác nhau, các vũ khí hoá học, sinh học và thậm chí là vũ khí nguyên tử. Với nghề này, mỗi lần “ra quân” là một lần mạo hiểm tính mạng bởi những trải nghiệm luôn mới mẻ, không lần nào giống lần nào.
Một người mới vào nghề có thể sẽ phải tham gia tập huấn trong môi trường khắc nghiệt hàng năm trời trước khi được giao nhiệm vụ xử lý bom. Nghề này đặc biệt đòi hỏi một tinh thần thép. Một chiến sĩ gỡ bom chuyên nghiệp còn có cả những kỹ năng như nhảy dù và lặn biển.
Công nhân trên giàn khoan
Công việc của những người công nhân trên các giàn khoan dầu ngoài biển cực kỳ vất vả và khó khăn. Họ phải đối chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và một thời gian dài sống xa đất liền và cuộc sống xã hội. Nhiệm vụ của họ là phải để giàn khoan thường xuyên hoạt động có hiệu quả, làm ra lợi ích kinh tế với hàng loạt những mũi khoan thử nghiệm xuống lòng biển sâu để tìm ra thứ vàng đen quý giá. Ngoài ra, họ phải tự đảm bảo sự an toàn của mình bằng việc thường xuyên bảo dưỡng dàn khoan, tránh để nước biển bào mòn công trình
Ngư dân
Làm ngư dân là một trong những nghề nguy hiểm nhất bởi nghề nghiệp của họ thường xuyên phải mạo hiểm với những biến động của thời tiết, biển cả và phải lặn lội giữa biển khơi mênh mông để tìm ra nguồn cá dồi dào. Ngoài ra, nghề này cũng đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm, vì vậy, những người trẻ ban đầu thường phải làm những công việc phụ ở trên tàu như lau dọn, chuẩn bị các bữa ăn cho cả đoàn. Dần dần, từ những chuyến đi, họ mới có thêm kinh nghiệm để trở thành một ngư dân thực thụ. Thu nhập của nghề này cũng lên xuống bấp bênh bởi nó phụ thuộc vào lượng hải sản kiếm được trong mỗi chuyến đi.
Công nhân xây dựng
Làm việc ở công trường xây dựng có thể không đòi hỏi những kỹ năng quá khó nhưng đó là một nghề vất vả cực nhọc. Bên cạnh việc phải lao động bất kể điều kiện thời tiết ra sao, thu nhập của họ cũng không chắc chắn bởi không phải lúc nào cũng có nhiều công trình mọc lên. Ngoài ra, có nhiều đội xây dựng tự phát hoặc tư nhân còn không được trang bị những thiết bị bảo đảm an toàn thiết yếu nên nghề này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Công nhân bảo trì nhà cao tầng
Một ví dụ thường thấy của nghề này là những người chuyên lau cửa kính cho các toà nhà cao tầng. Công việc nghe thật đơn giản nhưng nó đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt như việc lau dọn hiệu quả trong tình trạng bị treo lơ lửng trong không trung. Những tai nạn như bị ngã từ trên cao hoặc làm rơi dụng cụ từ trên cao xuống rất hiếm khi xảy ra bởi những biện pháp an toàn và kỷ luật nghiêm ngặt được áp dụng trong những quá trình làm việc. Tuy vậy, nếu trong nghề này có tai nạn xảy ra thì đó có thể là những tai nạn chết người.
Phi công lái thử máy bay
Phi công lái thử máy bay là một nghề nghiệp đặc thù trong lĩnh vực hàng không. Những người làm nghề này phải lái thử rồi đưa ra những đánh giá chuyên môn về những chiếc máy bay mới được sản xuất hoặc nâng cấp để xem chiếc máy bay đó có đạt những tiêu chuẩn chất lượng không. Những phi công lái thử máy bay lâu năm thường có kiến thức chuyên sâu về lý thuyết và khả năng thực hành cực tốt. Họ có đầu óc phân tích từng chi tiết nhỏ để đưa ra những kết luận mang tính khoa học.
Họ làm việc rất vất vả, phần lớn thời gian là ở trong buồng lái để thực hiện những chuyến bay thử nghiệm. Dù công việc của họ không đòi hỏi sức khoẻ thể lực cao nhưng lại đòi hỏi khả năng phản ứng nhanh và có thể chịu đựng căng thẳng, áp lực. Thao tác trên một chiếc phi cơ đang trong quá trình thử nghiệm có thể rất nguy hiểm. Họ có thể sẽ phải đối mặt với những tình huống khẩn cấp bất cứ lúc nào.
Thợ nạo vét cống
Đây không phải một nghề dành cho những người nhút nhát. Thợ nạo vét cống phải làm việc trong môi trường nguy hiểm đối với sức khoẻ, ngoài ra, họ còn phải có đủ dũng cảm để đối mặt với sự tự ti, vượt qua cái Tôi kiêu hãnh bởi thực tế là nghề này không sang trọng, hào nhoáng như một số nghề nguy hiểm khác mà chúng ta đã đề cập ở trên.