Nghề nào kiếm được nhiều tiền?

Dự đoán, nghề sẽ kiếm được nhiều và rất nhiều tiền từ giờ đến tương lai là nghề phân tích dữ liệu.

Nghề nào kiếm được nhiều tiền?

Cơn bão phát triển công nghệ hình thành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 , lượng dữ liệu phình to hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp nào nhận ra lợi ích to lớn từ khai thác và phân tích dữ liệu khách hàng thì càng thu lợi khủng. Đảo qua thị trường việc làm, không khó để tìm thấy mức lương 5-6 con số USD liên quan đến khoa học dữ liệu hay phân tích dữ liệu.

Một ví dụ rất nhanh, quý vị có bao giờ tự hỏi rằng tại sao những quảng cáo sản phẩm dịch vụ trên Facebook lại đúng thứ quý vị đang tìm đến thế? Hay các pop-up chạy quảng cáo không thôi mời mọc giảm giá chuyến du lịch quý vị cân nhắc mãi mấy hôm? Không hề ngẫu nhiên, một cú click chuột tìm kiếm thông tin của chúng ta không biến mất mà được các chuyên gia phân tích dữ liệu âm thầm ghi chép, tạo hồ sơ và phân tích từ giới tính, độ tuổi, địa chỉ đến túi tiền, từ đó xây dựng chiến lược marketing phù hợp đến từng cá nhân. Vậy, nghề kiếm nhiều tiền này sẽ dành cho ai?

Một là người đó phải là người có kỹ năng phân tích và xử lý trong một núi thông tin khách hàng. Hai là nghề này không dành cho người ghét toán và xác suất vì đa phần dữ liệu nằm dưới dạng số liệu. Ba đó là kỹ năng lập trình, lập trình viên ra lệnh máy tính xử lý dữ liệu đã thu thập.

Tuy nhiên, nghề phân tích dữ liệu khác với một anh lập trình viên ở chỗ, bạn phải có khả năng kinh doanh, tức trải nghiệm thực tế trên thương trường chứ không phải ngồi trong phòng lab. Thiếu kiến thức kinh doanh, dữ liệu sẽ đi sai hướng và mất cả đống tiền. Phân tích dữ liệu là tổng hòa của nghề bán hàng, marketing, công nghệ thông tin và toán xác suất.

Google, Alibaba, Facebook hay Tesla có một điểm chung là đầu tư rất lớn cho khoa học dữ liệu, nên họ hiểu khách hàng còn hơn chính khách hàng.

Ông Trương Gia Bình cho biết trên tờ Thời báo kinh doanh: "Thế giới vẫn còn thiếu 6 triệu chuyên gia phân tích dữ liệu, cơ hội nằm ở những bộ não linh hoạt, điều mà người trẻ Việt Nam có lợi thế. Mà một khi cạnh tranh bằng chất xám thống trị, thì bất chấp bằng cấp, bất chấp xuất xứ, bất chấp hệ thống chống lưng, ai tạo ra giá trị, người đó làm chủ. Phần còn lại đương nhiên thất nghiệp, cứ ở nhà ngủ cho khỏe, vì công việc đã có robot lo liệu rồi".

Theo VTV.VN