Nghề làm lân tạo hồn cho Tết trung thu

Lân Sư Rồng được quan niệm đem lại điềm lành, may mắn, bình an, tài lộc, thế nên ngoại hình luôn được chăm chút tỉ mỉ, từ trang phục đến kỹ thuật tạo hình, biểu diễn.

Nghề làm lân tạo hồn cho Tết trung thu

Để có một chú lân bắt mắt sống động và truyền tải được ý niệm mà người chơi mong muốn, người làm nghề phải có tính chịu khó, kiên nhẫn, vì một sản phẩm trải qua rất nhiều công đoạn như: tạc khuôn, đắp giấy, sau đó phơi khô rồi mới trang trí thổi hồn vào cho lân. Đó là chưa kể lân được làm bằng sườn tre, là loại đầu lân lớn, rất công phu và khó hơn nhiều so với lân đúc.

Nhưng những người làm nghề lân sư rồng chưa bao giờ nản lòng. Và cứ thế đến dịp Trung thu, những chú lân vẫn luôn là niềm đam mê con trẻ, là động lực để những người làm nghề thắp lửa giữ hồn cho một ngành nghề gắn liền với tuổi thơ các em.

Từ tháng 2 âm lịch kéo dài gần đến dịp Trung thu, nghề làm đầu lân lại diễn ra sôi động. Đây là một nghề rất công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn của những nghệ nhân chế tác. Nhưng cái đặc biệt hơn đó là làm sao thổi được cái hồn vào lân, để cho mỗi con lân là một thực thể riêng biệt, không con nào giống con nào.

Lân Sư Rồng được quan niệm đem lại điềm lành, may mắn, bình an, tài lộc, thế nên ngoại hình luôn được chăm chút kĩ từ trang phục đến kỹ thuật tạo hình, tiếp đến là tuyệt kỹ trong nghệ thuật trình diễn, biểu đạt trọn vẹn các cảm xúc, tính cách, thần thái với Hỉ – Nộ – Ái – Ố – Động – Tĩnh – Kinh – Nghi – Thụy – Tỉnh.

Từ hàng trăm năm trước, nghệ thuật múa Lân Sư Rồng du nhập vào nước ta, nghề làm đầu Lân Sư Rồng cũng theo đó phát triển. Ban đầu, chỉ với những đốt tre trúc được vót tỉa, uốn ghép nhưng biểu hiện đầy đủ được nét phong tráng, hùng tướng, thần sắc oai vệ, cảm xúc tươi vui… của những con linh thú. Ngày nay, dù đã có nhiều thay đổi trong công nghệ chế tác, nhưng cơ bản về mặt ý nghĩa và quan niệm vẫn còn nguyên vẹn nét đẹp xưa.

Theo VTV.VN