Nghề làm đẹp dễ tìm việc
Mức thu nhập của các nghề làm đẹp bình quân 8 triệu đồng/tháng, những người có tay nghề giỏi có thể đạt trên mức 15 triệu đồng/tháng
Nghề làm đẹp (trang điểm, làm tóc, trang trí móng…) đang được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng đi được đến đích, sống được với nghề. Bên cạnh sự khéo tay, tỉ mỉ, nghề làm đẹp đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, khả năng sáng tạo, giao tiếp tốt với khách.
Dành cho người có đam mê
Đến tiệm tóc VIP (quận 3, TP HCM), chúng tôi gặp rất nhiều khách đang ngồi chờ đến lượt mình làm tóc. Đông khách như thế nhưng ông chủ trẻ Nguyễn Hữu Tài vẫn nhớ tên, nhớ sở thích của từng người để làm cho họ những kiểu tóc ưng ý nhất, hợp thời trang và phù hợp với nghề nghiệp họ đang làm.
Để có được như ngày hôm nay, Tài cho biết anh phải trải qua quá trình rèn luyện khắt khe của người thầy đến từ Hàn Quốc.
Tài kể: "Chỉ mỗi môn uốn thôi, thầy ra chỉ tiêu trong 20 phút phải quấn được 80 ống. Trung bình trong 15 giây, người thợ phải hoàn thành việc lấy ống, lấy thun và quấn hoàn chỉnh. Ngày nào tôi cũng chỉ làm mỗi động tác đó cho đến khi thuần thục, đạt được tốc độ và độ thẩm mỹ, không có bất cứ lỗi nào. May mắn trong 3 tháng luyện tập, tôi đã đạt yêu cầu bài kiểm tra của thầy để học tiếp các môn còn lại".
Sau khi ra nghề, Tài làm việc cho nhiều tiệm tóc lớn tại TP HCM và tích lũy khá nhiều kiến thức cũng như học hỏi nhiều công nghệ mới về làm tóc. Năm 2016, Tài mở tiệm tóc riêng cho mình và tiệm hiện có 7 thợ đang làm việc, thu nhập khá.
Vào nghề trang điểm được 7 năm nhưng cái tên Nguyễn Đăng Vy được nhiều cô dâu biết đến. Đam mê nghề làm đẹp, ban đầu Đăng Vy chỉ học qua các clip trên mạng và thực hành ngay trên gương mặt mình. Sau khi tham gia Hội thi Cành cọ vàng năm 2016 và đoạt giải nhất, Vy được chuyên gia trang điểm Hồ Khanh dẫn dắt. Hiện nay, bên cạnh trang điểm cho cô dâu trong ngày cưới, đi chụp ảnh cưới, Vy còn trang điểm cho những người mẫu trong các sô thời trang, người đẹp tham gia các cuộc thi…
"Nghề này có may mắn là được đi nhiều, tôi đã đến hầu hết những nơi có cảnh đẹp trong nước để trang điểm cho các cô dâu khi thực hiện album cưới. Nhưng công việc này cũng rất cực vì phải thức dậy từ 3 giờ hoặc có khi làm từ sáng đến trưa, không có thời gian để ăn. Tất nhiên, bù lại sự cực khổ, vất vả là thu nhập khá ổn định" - Đăng Vy cho hay.
Nhu cầu làm đẹp cao
Bà Pang Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Kelly Pang (quận 3, TP HCM), cho biết với sự phát triển của xã hội, nhu cầu làm đẹp rất lớn. "Hiện nay, ở các đô thị lớn, nhu cầu làm đẹp tăng lên hằng ngày nhưng lại rất thiếu người có tay nghề cao, được đào tạo bài bản" - bà Linh cho hay. Mỗi năm, Trung tâm Đào tạo Kelly Pang đào tạo gần 2.000 học viên và tỉ lệ có việc làm đến 95%. Mức thu nhập của học viên bình quân 8 triệu đồng/tháng, những người có tay nghề giỏi có thể đạt mức 15 triệu đồng/tháng.
Tương tự, Trung tâm Đào tạo nghề Linh Chi (quận Phú Nhuận, TP HCM) mỗi năm đào tạo hơn 2.000 học viên các nghề như chăm sóc da, chăm sóc cơ thể, thợ làm tóc, phun thêu thẩm mỹ… Tỉ lệ có việc làm gần 100%.
Bà Nguyễn Thị Kim Châu, giám đốc trung tâm, cho biết: "Các cơ sở làm đẹp, trung tâm thẩm mỹ tại TP HCM và các tỉnh thường xuyên tìm đến đây để nhận học viên có tay nghề tốt. Hiện số lượng học viên tốt nghiệp không đủ cung cấp cho các nơi. Đa số các bạn có mức lương khởi điểm là 6 triệu đồng nhưng thu nhập thực tế từ 10-15 triệu đồng/tháng, những bạn có tay nghề cao hoặc tự đứng ra mở tiệm có thể thu nhập cao hơn".
Tuy nhiên, nghề làm đẹp cũng là nghề khá kén người vì rất nhiều học viên không chịu nổi cực nhọc, dị ứng hóa chất hay e ngại mà bỏ ngang.
"Ngay từ đầu, các bạn trẻ phải xác định mình có thật sự yêu thích nghề này không? Sau đó, các bạn lựa chọn một nơi đào tạo uy tín để theo học. Khi đã học nghề thì phải siêng năng, nghiêm túc. Các nghề làm đẹp đã có mã nghề, những bạn giỏi nghề có nhiều cơ hội tham gia thi tay nghề ở khu vực và thế giới" - bà Pang Mỹ Linh khuyên.
Theo Hồng Đào/Báo Người lao động