Nghề "lạ" ở Hà Nội: Chuyên săn lùng cửa gỗ cũ rồi "mông má" bán kiếm lời gấp 3-4 lần
Dọc tuyến đường 70 (Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) có nhiều gia đình hành nghề săn lùng cửa gỗ cũ sau đó chỉnh sửa và bán lại cho những người có nhu cầu. Công việc "kỳ lạ" này xuất hiện từ những năm 2002, đến nay đã tồn tại được 20 năm.
Nhiều năm trước, dọc tuyến đường 70 thuộc địa bàn phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hàng chục hộ gia đình chuyên hành nghề thu mua cửa gỗ cũ rồi bán lại kiếm lời. Cho đến nay, số lượng hộ gia đình kiếm sống bằng nghề này không còn nhiều như trước nhưng cũng không khó để tìm gặp.
Xưởng tái chế cửa gỗ cũ của gia đình ông bà Giáp Nhị nằm trên trục đường Sa Đôi (Nam Từ Liêm). Bà Nhị cho biết, trước đây xưởng tái chế của gia đình bà cũng nằm trên trục đường 70, nơi có rất nhiều xưởng gỗ của các gia đình khác cùng kinh doanh. Sau đó, do chủ nhà lấy lại đất nên bà phải chuyển đi một địa điểm khác cách đó không xa.
"Bản thân tôi cùng với một số người ở đây đã bắt đầu làm nghề kinh doanh, mua bán cửa gỗ cũ từ những năm 2002. Cho đến nay, nghề này đã tồn tại được 20 năm trời. Nhiều gia đình khấm khá lên vì nó, tạo công ăn việc làm với mức lương trả cho công nhân lên tới cả chục triệu đồng mỗi tháng. Xưởng lớn thì 5 đến 7 người, xưởng nhỏ cũng vài ba người giúp việc", bà Nhị chia sẻ.
Bà Nhị cho biết thêm, bây giờ hai vợ chồng bà đã già, toàn bộ công việc được ông bà bàn giao lại cho con gái. Hiện tại số lượng cửa gỗ cũ tồn ở trong xưởng của gia đình khá nhiều. Hàng trăm cánh cửa gỗ chính, cửa sổ, bộ khung cửa chất thành đống phía bên trong xưởng.
Một người giúp việc cho gia đình bà Nhị cho biết, để có thể mua được khối lượng cửa gỗ cũ nhiều như thế này họ phải tỏa đi khắp nơi. Ngoài thương hiệu kinh doanh mua bán cửa gỗ cũ đã xây dựng 20 năm nay được nhiều người biết đến thì họ phải tạo nên một mạng lưới "chân rết" ở khắp nơi trên địa bàn Hà Nội.
"Chúng tôi có nhiều người cộng tác, hễ thấy gia đình nào xây nhà mới hay sửa sang nhà cửa có nhu cầu cần giải phóng mặt bằng, thanh lý lại đồ cũ là họ sẽ vào kết nối rồi báo lại cho xưởng. Sau đó người của xưởng sẽ đến tận nơi để xem xét chất lượng gỗ, phải xem đó là gỗ gì, gỗ thịt hay gỗ tạp, mua về liệu có bán được không rồi mới xuống tiền", người này tiết lộ.
Người giúp việc này cho biết thêm, phần lớn họ chỉ mua lại cửa gỗ cũ được làm từ các loại gỗ lim, gụ…đặc biệt là kiểu dáng vẫn còn hợp thời trang, có thể dùng lại được cho những nhà xây mới mà không bị lỗi mốt.
"Nhiều năm giúp việc cho chủ xưởng, tôi từng chứng kiến có những vụ mua bán cửa gỗ cũ lên tới 2 tỷ đồng. Tất nhiên, số tiền ấy không phải dành nguyên để mua gỗ mà là gộp nhiều hạng mục khác như sắt thép, rồi công cán trả cho thợ tháo dỡ. Đối với nhà riêng thì những thương vụ mua bán cửa gỗ cũ giá trị lên tới cả trăm triệu đồng không thiếu", người này kể.
Thu mua lại cửa gỗ cũ tưởng rằng đơn giản như người đi mua đồng nát nhưng không phải. Nhiều thương vụ chốt kèo xong xuôi khi đến đặt tiền để tháo dỡ còn bị lật kèo vì gia chủ tìm được người mua với giá cao hơn. Thu mua đồng nát, phế liệu nhiều thì cũng chỉ vài trăm nghìn, còn thu mua cửa gỗ cũ giá trị gấp cả trăm lần nên người bán cũng nâng lên đặt xuống cân nhắc.
"Mua được gỗ rẻ nhiều khi còn do duyên buôn bán, có những thương vụ tôi đã chốt xong giá cả, tất nhiên là phải có lãi, thậm chí còn lãi nhiều là đằng khác. Nếu thương vụ hoàn tất về chỉ cần mông má lại bán là lãi gấp 3 đến 4 lần. Tuy nhiên, khi đến làm việc nhìn thấy gỗ xấu, nhiều chỗ đã mối mọt, gia chủ muốn bán nhanh để giải phóng mặt bằng thì họ sẵn sàng bớt thêm vài giá nữa", chủ một xưởng gỗ khác cho biết.
Tuy vậy, cũng không ít những thương vụ mua bán bị đổ bể do gia chủ xác định nhầm loại gỗ, chất lượng gỗ của mình. Khi người của xưởng đến tận nơi tìm hiểu mới thấy chất lượng cửa gỗ và cửa được làm từ loại gỗ không thể tái sử dụng.
Nhiều khung cửa, cánh cửa bằng gỗ cũ xếp thành hàng đợi ngày được "mông má" lại.
Chị Nguyễn Thị Tư, chủ một xưởng gỗ khác nằm ngay cạnh đường 70 cũng vào nghề được gần 20 năm, cùng thời điểm với các gia đình khác trong khu vực. Thời điểm nhiều việc, trong xưởng của chị lúc nào cũng có từ 5 đến 7 công nhân làm việc liên tục mới đáp ứng được nhu cầu.
"Công việc thì xưởng tôi vẫn duy trì được như cũ, tuy nhiên, bây giờ thợ ngày một ít đi. Công nhân trước đây làm cho mình một số người đã nghỉ việc, họ chủ động mở xưởng. Giờ tuyển người mới cũng khó, trong khi đó lương thợ cứng một ngày lên tới 500 nghìn đồng, thấp cũng 300 nghìn đồng/người", chị Tư cho biết.
Những lúc cao điểm, bên trong một xưởng gỗ cũ luôn có từ 5 đến 7 công nhân làm việc.
Việc mông má lại những chiếc khung cửa, cánh cửa cũ nhìn thì thấy đơn giản nhưng bắt tay vào làm mới thấy khó. Nhiều bộ phận phải tháo bung ra sau đó mới làm lại, không cẩn thận rất dễ dẫn đến hư hỏng.
Theo tiết lộ của các chủ xưởng, khách hàng tìm đến để mua khung cửa, cánh cửa gỗ cũ có những yêu cầu rất cao. Ngoài chất lượng gỗ ra thì phải đẹp như gỗ mới, hợp với xu hướng xây dựng hiện hành. Việc mua gỗ cũ sau đó "mông má" rồi bán như mới giúp những người hành nghề có thu nhập cao.
Một khung cửa sổ vẫn còn nguyên vẹn được xưởng mua lại của các gia đình có nhu cầu thanh lý.
"Bây giờ cạnh tranh nhiều, các công ty nội thất cho ra đời những sản phẩm mới phong phú về mẫu mã, hợp với xu hướng hiện đại, giá cả lại cạnh tranh. Những người làm nghề như chúng tôi không biết sẽ tồn tại được đến khi nào, thôi thì được ngày nào hay ngày đó", chị Tư lo lắng.
Theo Nhật Minh
Dân Việt