1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề đầu bếp “lao đao” giữa tác động của dịch Covid-19

Kim Anh

(Dân trí) - Người đang “chật vật” đổi nghề tìm kiếm một công việc mới, người loay hoay xoay sở khi thu nhập, giờ làm bị giảm đi,…đó là câu chuyện của những người làm đầu bếp trong tác động của dịch Covid-19.

Thu nhập giảm, vất vả tìm việc làm

Có 5 năm kinh nghiệm làm bếp trưởng tại một khách sạn lớn tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), anh Lương Việt Hà ( 29 tuổi, trú tại Hà Nội), chia sẻ, dịch Covid-19 khiến công việc bị tạm ngưng và gặp nhiều khó khăn.

“Khách sạn đóng cửa từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 7 mới trở lại hoạt động. Tuy nhiên, chỉ mở được 2 tuần, do ảnh hưởng của đợt dịch thứ hai nên đầu tháng 8 toàn bộ nhân viên tại khách sạn đều phải nghỉ việc tiếp. Điều này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người”, anh Lương Việt Hà cho biết.

Được biết, trong thời gian nghỉ dịch, khách sạn hỗ trợ cho mỗi nhân viên là 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với số tiền này không đủ để trang trải cho những chi phí như tiền nhà, tiền sinh hoạt vô cùng đắt đỏ. Vì vậy, anh Hà quyết định về quê để tiết kiệm các khoản chi phí.

Nghề đầu bếp “lao đao” giữa tác động của dịch Covid-19 - 1
Ảnh: Anh Lương Việt Hà và các đồng nghiệp bếp tại khách sạn (Ảnh: Lương Hà)

So với trước kia, thu nhập trung bình một tháng của đầu bếp là khoảng từ 9 - 10 triệu. Tuy nhiên, từ sau đợt bùng phát dịch lần thứ 2 đến nay, anh Hà đành tìm kiếm thêm công việc khác.

“Tôi đang làm bếp trưởng tại một nhà hàng tại Tuyên Quang. Thu nhập cũng tương đối ổn, tiền thuê nhà khoảng 1,5 triệu đồng. Vì vậy tôi sẽ làm tại đây đến khi nào công việc trên kia được ổn định trở lại”, anh Lương Việt Hà chia sẻ.

Câu chuyện khó khăn cũng đến với anh Phạm Văn Nam (27 tuổi, trú tại Hà Nội), làm đầu bếp tại nhà hàng Nhật Tochan 3 (Ba Đình, Hà Nội) với gần 2 năm kinh nghiệm.

“Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhà hàng phải đóng cửa tháng 3 - 4. Sau đó, nhà hàng có mở cửa trở lại nhưng thu nhập và giờ làm đều bị cắt giảm so với trước”, anh Phạm Văn Nam chia sẻ.

Được biết, thời gian làm trước đây 1 ca là khoảng 10 tiếng, có những hôm anh Nam phải làm đến gần 1 giờ sáng. Tuy nhiên, do nhu cầu lượng khách ít đi, nên giờ làm bị giảm xuống còn 7 tiếng/ca. Thu nhập cũng bị giảm bớt đi, kéo theo nhiều khoản chi tiêu phải thay đổi.

“Ngày trước, thu nhập của tôi khoảng 9 triệu đồng/tháng, nhưng hiện nay chỉ còn tầm khoảng 6-7 triệu đồng. Các khoản chi tiêu như tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt đắt đỏ. Do vắng khách, nhà hàng sẽ giảm bớt lượng nhân viên bếp hoặc thay ca nhau làm”, anh Phạm Văn Nam cho hay.

Lượng khách giảm, nhu cầu tuyển dụng ít

Trao đổi với phóng viên, thầy Đỗ Trần Phương - Phó trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, nhà hàng, khách sạn vận hành dựa vào nguồn lực lao động trực tiếp và chi phí đầu vào rất lớn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có khách, nguồn thu của nhà hàng bị sụt giảm nghiêm trọng (đặc biệt là những nhà hàng chuyên đón khách quốc tế tại Hà Nội và Hội An).

Chính vì vậy, bài toán đầu tiên là cắt giảm chi phí để tồn tại chờ hết dịch. Cách cắt giảm đầu tiên chính là nhân sự và thu hẹp quy mô.Vậy nên nhân viên nhà hàng, khách sạn sẽ bị cắt giảm hàng loạt. Nếu có được giữ lại thì phải làm luân phiên, hoặc hưởng mức lương đủ đóng bảo hiểm.

Theo thầy Đỗ Trần Phương, ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể thiếu hụt lao động bởi một lượng lớn nhân lực đã chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên đây cũng lại là cơ hội tốt cho lực lượng lao động trẻ, tầng lớp kế cận phát triển trong tương lai.

Còn theo TS.Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế - nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng hành khách và thị phần tại các khách sạn, nhà hàng giảm đáng kể trong đợt 1, hiện tại cũng bị giảm đến 70 - 80% do không có khách nước ngoài vào.

Theo TS.Nguyễn Minh Phong, với một khách sạn mà không lấp đầy được 60% diện tích thì chắc chắn sẽ bị thua lỗ. Nên hầu hết các khách sạn, nhà hàng đều bị ảnh hưởng nặng, một số nơi phải giao bán lại.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với những khách sạn, nhà hàng không có khách thì họ phải giảm biên chế, những người chuyên môn thấp thì giảm đầu tiên, những người trình độ cao thì giảm dần ,chỉ còn một vài một phận khung cơ bản hoặc là giảm lương, giảm giờ làm.

“Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng trên, một số khách sạn nhà hàng cũng năng động, họ điều chỉnh lại các gói dịch vụ theo hướng phục vụ bình dân nhiều hơn, giảm giá và tăng các tiện ích cũng như mở cửa phục vụ cho các đối tượng đa dạng. Bên cạnh đó, họ tập trung khai thác vào tuyến nội địa, để đảm bảo lượng khách. Dự đoán đến cuối năm 2021 khách quốc tế mới có thể trở lại được”, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết thêm.

Theo Tổng cục thống kê, tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng, tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.