Nghề chỉ tranh thủ vào ban đêm, thu nhập cao hơn làm lúa
(Dân trí) - Nhiều nông dân tại Hà Tĩnh tranh thủ đêm ra đồng bắt cua. Công việc phụ nhưng mang lại nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với làm lúa.
Những ngày tháng 10, tháng 11, khi lúa đã được thu hoạch xong, nhiều người dân ở huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh lại rủ nhau ra đồng bắt cua. Cua thường ra khỏi hang vào ban đêm để đi kiếm ăn. Khi mặt trời lặn, những người săn cua bắt đầu dụng cụ để hành nghề. Để bắt cua, người thợ cần trang bị một chiếc đèn soi, găng tay, ủng và chiếc xô để đựng.
"Cua khá dễ bắt dù chúng có 2 càng rất lợi hại. Nếu để 2 càng kẹp trúng tay thì rất đau nên cần phải đeo găng tay khi bắt loài vật này", anh Phạm Văn Tiến (42 tuổi, trú tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên) cho biết.
Dọc các cánh đồng lúa ở xã Thạch Xuân, Tân Lâm Hương của huyện Thạch Hà, hay ở xã Cẩm Sơn, Cẩm Thịnh của huyện Cẩm Xuyên, hàng đêm vẫn lấp lánh ánh đèn của những người thợ săn cua.
Ở mỗi cánh đồng có chục thợ săn cần mẫn đi tìm bắt loài vật này. Sau một đến 2 tiếng đồng hồ, mỗi người có thể bắt được 2-3kg cua.
"Mỗi đêm chúng tôi chỉ tranh thủ đi bắt một đến 2 tiếng rồi về. Có hôm bắt được nhiều, có hôm thì ít. Nhưng trung bình mỗi tối, hai vợ chồng chúng tôi cũng kiếm được khoảng 300.000-400.000 đồng", anh Tiến cho biết thêm.
Anh Tiến bật mí, muốn bắt cua đồng phải nhanh tay, nhanh mắt vì loài vật này rất nhanh, chỉ cần thấy ánh đèn là bỏ chạy, tìm nơi ẩn nấp hoặc chui sâu vào hang. Người bắt cua khi di chuyển phải nhẹ nhàng, tránh tạo ra những rung động mặt nước, làm con cua bỏ chạy.
"Cua thì mùa nào cũng có, nhưng thời điểm tháng 10, tháng 11 là ngon nhất. Cua mùa này béo vì ruộng có nhiều thức ăn", anh Tiến nói.
Tương tự, vợ chồng chị Trần Thị Hương (45 tuổi, ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà) hầu như tối nào cũng đi bắt cua. Công việc chỉ tranh thủ một vài tiếng đồng hồ buổi tối nhưng mang lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình chị.
"Vợ chồng tôi làm nông, được hơn 5 sào ruộng, thời gian rỗi thì ai thuê gì cũng làm. Còn buổi tối 2 vợ chồng lại ra đồng bắt cua. Hầu như ngày nào, mùa nào chúng tôi cũng đi bắt cua, trừ những ngày mưa lũ hay quá rét. Thường là 19h tối chúng tôi xuất phát, 2 -3 tiếng sau là về. Nhờ công việc này, mà chúng tôi có tiền trang trải cuộc sống", chị Hương cho biết.
Cũng theo tính toán của chị Hương, so với làm lúa thì bắt cua đồng mang lại thu nhập cao hơn nhiều.
"Với 5 sào ruộng, mỗi vụ sau khi trừ hết chi phí, lãi chỉ vài triệu đồng. Đi bắt cua thì không phải bỏ chi phí gì cả nhưng mỗi đêm cũng kiếm được 200.000-300.000 đồng", chị Hương so sánh.
Cua khi bắt về được thương lái thu mua ngay tại chân ruộng với giá 60.000-70.000 đồng/kg. Sau đó thương lái sẽ đưa đi tiêu thụ ở nhiều địa phương khác nhau.
Cua đồng sau khi rửa sạch và sơ chế có thể nấu nhiều món ngon như canh cua, bún riêu, lẩu cua. Đây là loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng, giàu đạm, dễ chế biến nên được nhiều người ưa chuộng.