Nghề chỉ ngồi phòng máy lạnh, mỗi lời nói ra thu về cả triệu đồng
(Dân trí) - Với đoạn quảng cáo vài chục giây, những voice talent có thể kiếm vài triệu đến vài chục triệu đồng. Thế nhưng, họ có nhiều quan định khắt khe từ nghề.
"Khoảng chục người ngồi ngoài phòng thu và chỉ đợi tôi đọc xong đoạn thoại 30 giây", anh Ka Nguyễn (30 tuổi, ngụ quận 2, TPHCM) nhớ lại khoảnh khắc thực hiện quy trình đọc quảng cáo cho một nhãn hàng lớn tại Việt Nam.
Trước đó, anh Ka chỉ nhận được nội dung trước thời điểm thu âm đúng 5 phút. Ka phải tập trung hết sức nhằm nghiên cứu, tìm điểm nhấn nhá, tạo cảm xúc trong từng câu chữ. Sau khi vào phòng, anh đọc kỹ nội dung 3 lần và được thẩm định bởi các nhân viên cũng như lãnh đạo công ty.
"Chỉ vài chục giây bạn có thể kiếm tiền triệu, thế nhưng nghề này đòi hỏi voice talent khi khách có các điều khoản khắt khe", anh Ka khẳng định.
Thu nhập tiền triệu/giây
"Voice talent" là khái niệm dùng để chỉ những người có giọng tốt, tham gia vào ngành đọc quảng cáo. Lĩnh vực này từ lâu vốn đã có nhu cầu rất lớn về nguồn cung nhân lực, tuy nhiên việc tìm kiếm những giọng đọc tốt cũng giống như việc "mò kim đáy biển".
Anh Ka chia sẻ, bản thân may mắn khi bẩm sinh đã có một giọng thổ (ấm, trầm, cảm xúc). Nhận thấy lợi thế nên khi lớn lên, anh đã bắt đầu trau dồi.
Thời điểm 15 năm trước, không có quá nhiều trường lớp đào tạo nghề voice talent. Anh Ka thường xem video của những người dẫn chương trình nổi tiếng, tập đọc, ghi âm và tự sửa đổi các lỗi phát âm. Ngoài ra, anh cũng trau dồi thêm kỹ năng thanh nhạc để hoàn thiện các âm sắc.
"Mọi người thường sẽ có giọng nói, âm vực, âm sắc khác nhau như giọng kim (sáng, sắc bén), giọng thổ (trầm, ấm)… Bằng cách hiểu giọng, mọi người sẽ học hỏi, thay đổi dần nhằm đạt được giọng đọc tốt nhất", anh Ka Nguyễn kể.
Tương tự, Hoài Anh (24 tuổi) đã có 5 năm trong nghề voice talent. Từ đam mê trở thành MC, cậu trai trẻ thi tuyển vào ngành báo chí truyền thông tại TPHCM. Sau thời gian công tác, nhiều khách hàng thích giọng đọc và nhờ Hoài Anh hỗ trợ các đoạn thoại quảng cáo, giúp anh bén duyên với nghề.
Với nhu cầu lớn của thị trường, hiện nay các lớp nghiệp vụ đào tạo giọng đọc nở rộ. Sau quá trình giảng dạy, các học viên có thể đảm nhiệm các vị trí MC, đọc TVC quảng cáo (quảng cáo bằng video), radio, sách nói… Theo anh Ka Nguyễn, mức thu nhập tùy thuộc vào từng công việc nhưng luôn luôn hấp dẫn. Thậm chí, nhiều trường hợp chỉ cần đọc vài giây thoại, voice talent vẫn kiếm hàng chục triệu đồng.
"Mỗi lần tôi tham gia một đoạn TVC đều kiếm từ 4 đến 7 triệu đồng cho 30 giây. Ra khỏi phòng thu là khách hàng trả tiền ngay", Ka Nguyễn nói.
Vào thời điểm dịch Covid-19, Hoài Anh được một nhãn hàng lựa chọn đọc một TVC theo hình thức chữa lành tâm hồn. Ngay sau khi trải qua quá trình thu âm, anh đã nhận được số tiền lớn.
"Phải nói chi phí tùy thuộc vào công việc, từng nhãn hàng, thế nhưng con số lên đến 6, 7 số 0 là điều bình thường", Hoài Anh kể.
Đòi hỏi quy tắc nghiêm ngặt
Mặc dù mang lại thu nhập cao, thế nhưng các voice talent chia sẻ nghề cũng đòi hỏi nhiều quy tắc nghiêm ngặt. Bên cạnh năng khiếu, voice talent luôn phải trải qua quá trình luyện tập lâu dài nhằm đạt độ ổn định, đặc sắc trong giọng nói.
Ngoài ra, voice talent cần giữ sức khỏe, không bao giờ uống nước đá, dầm mưa nhằm tránh mất giọng. "Đời sống của tôi luôn nói không với rượu bia, thuốc lá, hóa chất để bảo vệ sức khỏe. Tối ngủ thì hạn chế gió, đóng tất cả cửa sổ vì chỉ cần đau họng, thay đổi màu giọng là có thể mất hợp đồng quảng cáo", anh Hoài Anh nói.
Về phía khách hàng, TVC quảng cáo mang thông điệp ý nghĩa đặc biệt với nhãn hàng, vì vậy họ luôn khắt khe trong khâu lựa chọn giọng đọc. Anh Ka Nguyễn chia sẻ, khách hàng có thể lắng nghe hàng chục màu giọng suốt nhiều tháng chỉ để lựa chọn một người phù hợp.
Sau đó, voice talent phải được kiểm tra trước khi vào phần thu chính, được kiểm định vô số vòng bởi các nhân viên và các vị trí cấp cao của công ty.
"Đặc biệt gần đây với các lớp đào tạo ngắn hạn, số lượng voice talent tăng lên tạo ra sự cạnh tranh gắt gao. Nhiều công ty vì điều này mà chèn ép, hạ giá tiền, thậm chí chọn các bạn mới vào nghề với mức phí chỉ bằng 1/10 voice talent lâu năm", anh Ka Nguyễn chia sẻ.
Sự đe dọa của AI
Bên cạnh yếu tố con người, sự phát triển của AI (trí tuệ nhân tạo) cũng đe dọa nghề voice talent. Anh Ka Nguyễn kể, hiện tại các dịch vụ sách nói, báo, podcast, thuyết minh phim… đều đã được thay thế bởi người đọc thông minh nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.
"Đọc quảng cáo cần cảm xúc nên voice talent vẫn tồn tại được, thế nhưng tương lai mọi thứ đều có thể xảy ra và chúng tôi có thể mất việc", anh Ka Nguyễn nói.
Trước tình trạng này, anh Ka cho biết, các bạn trẻ theo đuổi nghề hãy tạo cho mình điểm nhấn, phát huy yếu tố mạnh của bạn thân nhằm thuyết phục khách hàng.
"Mỗi người đều có giọng nói đặc trưng riêng, vì vậy bạn làm sao để giữa biển người khách hàng vẫn chọn bạn, sự cảm xúc trong từng câu chữ khiến bạn không bao giờ bị thứ gì đe dọa được", anh Ka nói thêm.