Đưa thư pháp Việt vào trường nghề
(Dân trí) - Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM triển khai giới thiệu bộ môn thư pháp Việt đến học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN thông qua hội thi Thư pháp Việt.
Ngày 29/9, Hội GDNN TPHCM và Câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt (thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) tổ chức giới thiệu về hội thi viết thư pháp chào mừng 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023) với chủ đề "Tôn sư trọng đạo".
Với chủ đề này, các tác phẩm dự thi không chỉ thể hiện trình độ nghệ thuật của nghệ nhân mà còn là cơ hội để người dự thi thể hiện tình cảm của mình đối với thầy cô, những người đã giúp mình vun bồi tri thức.
Theo nghệ nhân Võ Dương, Chủ tịch CLB Nghệ nhân Thư pháp Việt, hội thi thường chỉ dành cho giới nghệ nhân thư pháp chuyên nghiệp. Để khuyến khích quảng bá, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống trong học sinh, sinh viên các trường nghề, hội thi năm nay sẽ có 2 hệ thống giải dành cho giới chuyên nghiệp và không chuyên.
Quy mô hội thi dành cho mọi người yêu thích thư pháp trên cả nước. Người tham gia có thể đăng ký tham dự ở nhóm chuyên nghiệp (nhà thư pháp chuyên nghiệp) hoặc nhóm không chuyên (người yêu thích thư pháp, kể cả học sinh, sinh viên). Mỗi nhóm đều có 12 giải thưởng.
Theo bà Lê Kiều Nương, Tổng thư ký Hội GDNN TPHCM, hội sẽ triển khai cuộc thi đến các trường cao đẳng, trung cấp và cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố để các em học sinh, sinh viên các trường nghề tham gia. Mục tiêu là tạo nên một sân chơi bổ ích, khơi dậy đam mê của các em với một nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Đặc biệt, các tác phẩm đạt giải sẽ được trưng bày, bán đấu giá. Số tiền đấu giá các tác phẩm đoạt giải sẽ được dùng để đóng góp cho các quỹ từ thiện, khuyến học… giúp đỡ các học sinh, sinh viên khó khăn trong hệ thống trường nghề có điều kiện tiếp tục học tập.
Theo Chủ tịch CLB Nghệ nhân Thư pháp Việt, sống bằng nghề viết thư pháp rất khó, chỉ một số người có tư duy và kỹ năng tốt mới có thể sống bằng nghề này.
Tuy nhiên, thư pháp Việt không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là một bộ môn nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn, nuôi dưỡng tinh thần tự tôn dân tộc… cho thế hệ trẻ. Đồng thời, đây còn là một bộ môn rèn luyện kỹ năng viết, vẽ và rèn luyện tâm tính rất tốt.
Ông Võ Dương chia sẻ: "Tôi hy vọng, qua cuộc thi và việc Hội GDNN nhân rộng trong các trường sẽ lan tỏa nghệ thuật thư pháp Việt đến rộng rãi hơn với nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Có như thế, bộ môn thư pháp Việt mới được duy trì, bảo tồn, phát triển bền vững theo thời gian".
Hội thi Viết thư pháp năm 2023 gồm 24 giải thưởng, mỗi nhóm gồm 12 giải, tổng giải thưởng 104 triệu đồng cùng quà tặng. Mỗi người tham gia tối đa 4 tác phẩm.
Người dự thi sẽ chụp hình tác phẩm (ảnh thực, không chỉnh sửa) gửi về email (hoithithuphaptoanquoc@gmail.com) để xét tuyển sơ khảo. Khi lọt vào vòng chung khảo, ban tổ chức sẽ thông báo để người dự thi gửi bản chính tác phẩm.