Nghề “câu cá” giữa đường
Tám năm về trước những tài xế taxi được tôn vinh là "công nhân hoàng gia". Nay thì khác, họ thường ngồi chung mâm với những bác xích lô, xì xụp hủ tiếu gõ.
Quần áo tinh tươm, cà vạt, giày bóng lộn, nhanh nhẹn, hoạt bát, có vốn sống, trông họ như một vị giám đốc lịch thiệp. Thế nhưng có người thường “lủng” túi, không còn một tờ giấy tuỳ thân, cảnh sát giao thông thường giữ hết của họ trong một lần “đua điểm” (tranh nhau chạy đến chỗ có khách đón taxi), hay dừng, đậu trên đường cấm.
Cạnh tranh "dữ tợn"
“Giữa lúc những phương tiện vận chuyển cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, mình không bản lĩnh và chịu cày là đói liền”, ông Nguyễn Văn Thắng, có thâm niên 12 năm cầm vô lăng taxi nói.
Thu nhập bình quân của những tài xế giỏi, cày quần quật khoảng 2,5 -3 triệu đồng/tháng, còn dở thì vô chừng, có khi nợ lại công ty. Nhiều tài taxi cho rằng, một ngày đêm họ cày được 600.000đ, bỏ túi 120.00-150.000đ. Muốn kiếm nhiều tiền hơn phải có bản lĩnh và chịu cày 24/24. Ông Thắng cho bản lĩnh là phong cách phục vụ, kiến thức lịch sử, văn hoá của nơi khách đến, nhiều lúc đối mặt với khách giang hồ mà yếu bóng vía là bị “luộc” liền.
“Hai tài chạy một chiếc, nếu lỡ tài kia sơ suất bị cảnh sát giao thông “vịn”, giam xe một tháng thì mình cũng đói theo. Một ca chỉ có 24 tiếng, tôi phải ráng cày. Có đêm chưa đủ doanh thu, đến bốn giờ rưỡi sáng tôi vẫn chưa mang xe về công ty”, chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, 8 năm trong nghề nói. Ba năm trước chị được đồng nghiệp phong là “sát thủ Vina vàng”.
Trời mưa, muốn tranh tài, chị đã điều khiển xe chui qua hai trụ xi măng chiều ngang chỉ rộng hơn xe chị 4-5cm (dùng cấm xe tải nhỏ lưu thông), trong một khu chung cư ở Tân Bình với tốc độ 60-70km/giờ. Sau đó chị đánh phải, quẹo ngang bắt khách. Xe “đối thủ” điếng hồn nhìn chị.
“Tranh thủ cày. Đói muốn run cũng ráng nuốt nước bọt nhịn, mình ngồi ăn 15-20 phút, lỡ mất mối sộp là mất vài trăm ngàn!", chị Phạm Thị Thành, 7 tuổi nghề, tâm sự. Mang thai bốn tháng, chị vẫn lái xe đến 1-2 giờ sáng. Hiểu vợ, nhưng chồng chị xót con, vậy là xảy ra cãi vã.
Nhịn... nhục
“Muốn dừng lại bỏ khách, tụi tôi thường lấm lét như thằng ăn trộm. Mấy lúc vắng khách, chưa tới giờ cao điểm chúng tôi không biết đậu ở đâu nữa. Mấy chỗ cho đậu thường nhà dân bày ra buôn bán, mình tấp vô là bị đuổi như đuổi tà”, anh Lê Văn Việt, 9 năm khoác áo tài taxi than.
“Làm nghề này phải biết nhịn vì chén cơm, dù có lúc cảm thấy rất nhục”, anh Huỳnh Thanh Hải đúc kết như vậy. Có lần khách yêu cầu anh dừng lại ở Lê Lợi, Q.1-đường cấm dừng-anh giải thích và năn nỉ mong khách thông cảm nhưng không được. CSGT thì chắc chắn không thông cảm cho anh. Vậy là bị phạt.
Hoạ từ trên trời rơi xuống
Sào Gòn đêm, nơi có nhiều nguy cơ rình rập cánh tài taxi. Đang lưng túi, thấy khách vẫy tay đón, anh Lê Văn Việt ghé lại đường Lê Hồng Phong đoạn thuộc P.5, Q.10, "câu" liền. Thêm một chiếc taxi nữa mới chở hết 8 thanh niên đi cà nhắc. Xe dừng tại một quán cà phê trên đường Ngô Tất Tố thuộc P.19, Q.Bình Thạnh, lúc 2 giờ đêm ngày 14.6.2005.
Tức thì tám vị khách cà nhắc kia rút mã tấu trong ống quần ra, lao vào quán chém túi bụi. “Giữ mạng được là mừng rồi!”, anh Việt cười buồn nói. Nhiều đồng nghiệp của anh bị rọc túi lấy hết tiền và giấy tờ tuỳ thân, hay "mắc bẫy" chở dân buôn thuốc lá lậu, người bị bệnh tâm thần... Những trường hợp này cước phí đều "phi", có khi họ phải "ngồi uống trà" nhiều ngày với công an để “làm rõ vụ việc”.
Một năm trở lại đây nhiều hành khách taxi thường dùng chiêu “điện thoại di động của tôi hết pin, anh làm ơn cho mượn gọi đỡ chút tính tiền tôi sẽ gửi thêm”. Tới đoạn thủ thỉ chuyện riêng, họ xuống xe rồi lủi mất. Cũng có những tài taxi khác bị dụ chở ra ngoại thành để chúng có cơ hội trấn lột. Hai tháng trước, anh Nguyễn Thanh Hoàng bị một băng ở Q.8 dàn cảnh đụng xe, dưới dốc cầu chữ Y, nhánh xuống đường Dạ Nam. Biết chuyện, trên đường chở người giả bị bể bọng đái đi cấp cứu, anh lủi vô đồn công an trên đường Trần Bình Trọng mới thoát nạn.
Bên cạnh đó cũng có những ông Tây mới bập bẹ nói tiếng Việt, làm khổ mấy tài taxi. Anh Trịnh Đức Thịnh đã có lần dở khóc dở mếu với một ông khách Mỹ. Ông này bảo anh chở đi Song Be. Đinh ninh là Sông Bé, anh Thịnh sang số, kéo một hơi gần tới Bình Dương. Lúc này ông Mỹ gào lên, trán đổ mồ hôi hột: no! no! Song Be. Để cho anh hiểu, ông Mỹ quạt hai cánh tay như chim vỗ cánh bay, anh Thịnh mới đoán ra nơi đến là sân bay. Ông Mỹ này không chịu trả thêm tiền cho đoạn đường đi lạc.
Mặc dù vậy vẫn có một số người sống chết với nghề bởi nó tự do về giờ giấc, được đi đây đi đó nhiều, tăng vốn sống nhờ tiếp xúc với nhiều người, đó là những lý do khiến họ gắn bó với nghề. Vả lại “thời buổi này có nghề lương thiện nào dễ kiếm ra tiền”, chị Hoa tâm sự.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị