Nghề biển chưa hết lo về lao động
Thiếu lao động lành nghề, có kinh nghiệm nghề đánh bắt là tình cảnh chung của các tập đoàn, HTX đánh cá trên cả nước.
Tại xã Lập Lễ (nơi có làng nghề khai thác lớn nhất Hải Phòng) có trên 2.000 hộ (khoảng 11.500 dân) thì một nửa số hộ sống bằng nghề đánh cá, nuôi trồng thủy sản. Nếu tính số người trong độ tuổi lao động hiện có ở địa phương, thì lao động cho các tàu khai thác cá không phải là thiếu. Tuy nhiên, năm nào đến mùa cao điểm khai thác thủy sản, các chủ tàu cũng phải ngược xuôi để tìm kiếm bạn thuyền.
Lao đao vì thiếu nhân lực
Lực lượng đánh cá tại chỗ là người địa phương chỉ chưa đầy 2.000 người, mà chủ yếu là người trung niên, cao tuổi. Với trên 600 tàu lớn đánh bắt xa bờ và trên 800 tàu nhỏ (dưới 40CV) đánh bắt gần bờ thì cần lực lượng lao động rất lớn. Trong khi số lao động tại chỗ chỉ đáp ứng 30 - 40%, còn lại chủ yếu là lao động tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Đông Triều – Quảng Ninh…
Lực lượng đánh cá tại chỗ là người địa phương chỉ chưa đầy 2.000 người, mà chủ yếu là người trung niên, cao tuổi.
Trung bình một tàu đánh bắt có công suất lớn hơn 500CV, mỗi lần ra khơi cần 10 - 12 lao động lành nghề. Nhưng thực tế chỉ có khoảng 7 – 8 lao động, mà chủ yếu là lao động học việc. Lao động thì luôn trong tình trạng làm không ổn định ở một tàu nào.
Nhiều lao động ở các địa phương khác, do không quen sóng gió vừa xuống tàu, say sóng lại bỏ việc, hay nằm bẹp cả chuyến. Đó thực trạng mà hầu hết các tàu cá tại Lập Lễ đang gặp phải. Thực trạng đó buộc các chủ tàu phải ra khơi trong tình trạng thiếu người nếu không muốn tàu nằm bờ.
Thời điểm này, tại Cảng cá Mắt Rồng – xã Lập Lễ - Thủy Nguyên, để chuẩn bị cho chuyến đi biển sắp tới nhiều chủ tàu phải chạy khắp nơi tìm bạn thuyền. Ông Bùi Văn Nam chủ tàu HP 90198 – TS cho biết, giá xăng dầu tăng cao, ngư trường thu hẹp, sản lượng khai thác giảm, thiếu vốn để đầu tư thuyền… bao nhiêu khó khăn chồng chất. Nhưng với ông Nam, khó nhất vẫn là không tìm được bạn thuyền có kinh nghiệm.
Thanh niên giờ ngại đi biển, ngại rủi ro nên lúc nào làng chài cũng thiếu lao động lành nghề. Chi phí cho một tàu đánh bắt công suất lớn lên tới hàng chục tỉ đồng. Lao động lành nghề thiếu, chủ yếu là lao động trẻ tập việc thì để tàu trên bờ là lựa chọn đảm bảo cho sự an toàn, tránh thua lỗ.
Ông Vũ Văn Cự - Trưởng liên tập đoàn nghề cá Nam Triệu – Lập Lễ cho biết, trước thực trạng thiếu lao động đánh bắt trầm trọng, tại Lập Lễ, Phả Lễ còn có một nhóm 5 – 7 người gọi là cò người, chuyên đi tìm người cho các chủ tàu. Chủ tàu sẽ trả 1 triệu đồng/lao động, còn làm được hay không thì tính sau. Tính ra lương chúng tôi trả cho lao động có kinh nghiệm khá cao khoảng 8 – 10 triệu/người/20 ngày, thậm chí có chủ tàu trả tới 12 - 15 triệu/người/20 ngày.
Trả lương cao như vậy nhưng nghề đánh bắt vẫn không thu hút được lao động. Lao động nghề cá ở Hải Phòng đang rơi vào tình trạng ngày càng cạn kiệt.
Lao động được đào tạo còn khá khiêm tốn
Ông Cự cho biết thêm, trước kia nghề đánh bắt là nghề cha truyền con nối, vì ít chữ lên đời này tiếp nối đời kia cứ thế xuống biển mà kiếm ăn. Nhưng hiện tại xã hội phát triển những người làm nghề biển có điều kiện lại hướng con mình vào công chức, thậm chí cho đi nước ngoài.
Những người không có điều kiện cũng hướng con mình làm công nhân, xí nghiệp chứ không hướng con mình theo nghề đánh bắt. Bởi nghề đánh bắt xa bờ rủi ro cả về con người lẫn tài sản. Tuy hàng năm có hàng nghìn sinh viên trường ĐH Hàng hải tốt nghiệp. Nhưng theo báo cáo thống kê của trường chỉ có 40% sinh viên theo học các chuyên ngành liên quan tới vận tải, điều khiển, khai thác, quản lý biển… sẵn sàng xuống tàu ra khơi, số còn lại là làm trái nghề.
Ông Hoàng Mạnh Hà – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Định cho biết, tính đến thời điểm 20/05/2018, toàn tỉnh Nam Định có 2.121 tàu thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất là 255.452 CV , trong đó tàu đánh bắt xa bờ ( công suất trên 90CV) là 710 chiếc, còn lại là tàu đánh bắt gần bờ (công suất dưới 90CV).
Tổng số lao động trực tiếp trên biển khoảng 5.710 người. Lao động lành nghề cho nghề đánh bắt tại địa phương đang rất thiếu. Bởi nghề đi biển phải có cả kinh nghiệm và kiến thức. Nhưng không phải ai cũng có cả 2 yếu tố đó. Vừa qua tỉnh Nam Định phối hợp với trường Đại học Nha Trang đào tạo bổ sung kiến thức cho 500 lượt người (theo chương trình đào tạo của Nghị định 67). Thực tế, số người được đào tạo quả là còn khiêm tốn so với số lượng tàu.
Nghịch lý, trong khi các chủ tàu không ngừng đóng mới, hoán cải, nâng công suất tàu để bám biển dài ngày, thì lao động nghề biển ngày càng giảm. Phần lớn lao động trên các tàu đều là lao động thủ công, làm việc theo kinh nghiệm mà chưa được đào tạo, tập huấn kỹ năng cần thiết cho nghề đi biển.
Ông Phạm Văn Chung – Chủ tàu ND95959TS Giao Thủy, Nam Định cho biết, số lượng lao động lành nghề mới đáp ứng được 70%, số còn lại chúng tôi phải thuê từ Thanh Hóa, các tỉnh vùng sâu.
Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về lao động nghề biển, trước mắt các địa phương có nghề đi biển đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở các lớp đào tạo kỹ năng, kiến thức cần thiết cho ngư dân để ngư dân có thêm kinh nghiệm đi biển. Mặt khác, tạo mọi điều kiện giúp các chủ tàu và tập đoàn nghề cá xây dựng chiến lược đào tạo lao động nghề biển một cách bài bản, cũng như vận động họ tích cực áp dụng các kỹ thuật đánh bắt tiên tiến, khai thác hiệu quả từ kinh tế biển.
Đánh bắt hiệu quả, đời sống nâng cao, chắc chắn người lao động sẽ yên tâm gắn bó với tàu, với biển.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp