Nghệ An: Xảy ra 68 vụ tai nạn lao động trong 2 năm qua

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Trong vòng 2 năm qua, tại Nghệ An đã xảy ra 68 vụ tai nạn lao động làm 73 người bị nạn, trong đó có 18 người chết, 33 người bị thương nặng.

Nghệ An: Xảy ra 68 vụ tai nạn lao động trong 2 năm qua - 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị tổng kết Đề án "Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020. 

Tại hội nghị tổng kết Đề án "Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020 vào chiều 25/11 - báo cáo từ các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, giai đoạn 2018 - 2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho biết: Trong 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 68 vụ tai nạn lao động làm 73 người bị nạn, trong đó có 18 người chết, 33 người bị thương nặng; làm thiệt hại về vật chất hơn 3,7 tỷ đồng. 

So với giai đoạn 2015-2017, thì giai đoạn 2018-2020 giảm cả bốn tiêu chí: số vụ (giảm 6 vụ, tương ứng giảm 8%), số người bị nạn (giảm 17 người, giảm 19%), người chết (giảm 03 người, giảm 14%), số người bị thương nặng (giảm 17 người, giảm 34%).

Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động là do doanh nghiệp, người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), trang cấp phương tiện bảo vệ các nhân không đầy đủ, không đảm bảo chất lượng cho người lao động; người lao động không chấp hành nội quy, quy trình làm việc an toàn. 

Nghệ An: Xảy ra 68 vụ tai nạn lao động trong 2 năm qua - 2

Tổng kết Đề án "Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020" báo cáo cho biết, tỉnh này đã xảy ra 68 vụ tai nạn lao động.

Hầu hết, các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chủ yếu xảy ra ở các ngành, nghề có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại như khai thác, chế biến khoáng sản (5 vụ, làm chết 5 người, 1 người bị thương nặng), xây dựng, điện, sản xuất công nghiệp (39 vụ, làm chết 7 người, bị thương nặng 32 người).

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đề cập đến vấn đề công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Một số chính quyền địa phương chưa thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định về ATVSLĐ. 

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện còn ít so với số doanh nghiệp hiện có trên địa bàn, việc thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm. Việc chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ của một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tốt. Có những doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị lạc hậu, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng thiếu sự đầu tư nâng cấp; công tác vệ sinh lao động chưa được quan tâm đúng mức... 

Nghệ An: Xảy ra 68 vụ tai nạn lao động trong 2 năm qua - 3

Trong 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 68 vụ tai nạn lao động làm 73 người bị nạn, trong đó có 18 người chết, 33 người bị thương nặng.

Ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATVSLĐ của doanh nghiệp, người dân được nâng lên. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư về ATVSLĐ trong sản xuất, kinh doanh, trong số đó có nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ hơn tác động của công tác ATVSLĐ đến năng suất, chất lượng sản phẩm nên đã quan tâm tới việc xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn nơi làm việc.

Về vấn đề này, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác giải quyết việc làm và an toàn vệ sinh lao động (GQVL-ATVSLĐ) trong thời gian qua. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, là gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng thời, ông Bùi Đình Long đề nghị Tỉnh ủy Nghệ An tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các cấp ủy đảng đối với công tác giải quyết việc làm (GQVL), ATVSLĐ; Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, giám sát và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển lĩnh vực giải quyết việc làm, ATVSLĐ...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị cần tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác GQVL, ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025 để triển khai, thực hiện; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện kịp thời và hiệu quả các chương trình, đề án đã xây dựng. Tăng cường, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về công tác GQVL-ATVSLĐ. 

Huy động mọi nguồn lực của xã hội để để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; đồng thời kết nối với các tỉnh khác trong toàn quốc để giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.