1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghệ An: Giới thiệu việc làm cho hơn 150.000 lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp

(Dân trí) - Giai đoạn 2009-2018, TT DVVL tỉnh Nghệ An đã giới thiệu việc làm cho hơn 150.000 lượt người lao động BHTN có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới. Bên cạnh đó, số lao động thất nghiệp quan tâm đến chế độ hỗ trợ học nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng tăng.

Nghệ An: Giới thiệu việc làm cho hơn 150.000 lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp - 1

Điểm tựa của lao động mất việc

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An Đặng Cao Thắng, tỉnh Nghệ An vẫn đang trong quá trình chuyển đổi đi lên, khá nhiều lao động trong tỉnh thoát ly để làm việc ở các tỉnh phía Bắc hoặc Nam.

“Những năm gần đây, do tình hình lao động chuyển dịch từ các khu vực kinh tế phía nam về quê ngày càng cao; tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, các doanh nghiệp tình trạng thu hẹp quy mô sản xuất vẫn tiếp diễn kéo theo việc cắt giảm lao động nên số người thất nghiệp trên địa bàn có xu hướng gia tăng” - ông Đặng Cao Thắng nói.

Ông Nguyễn Văn Lương, Phó TP Chế độ BHXH tỉnh Nghệ An, đánh giá hiệu quả của việc kết hợp cùng TT DVVL tỉnh Nghệ An thực hiện chính sách BHTN 

Do đó, số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Chủ yếu là lao động từng làm việc ở ngoại tỉnh sau khi chấm dứt hợp đồng và trở về quê hương.

Theo phân tích của ông Đặng Cao Thắng, dưới dự chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, TT DVVL tỉnh đã giải quyết cho 74.854 người nộp hồ sơ hưởng TCTN, trong đó có 73.411 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN).

Năm 2009, TT DVVL tỉnh Nghệ An mới tiếp nhận thủ tục đăng ký của 129.167 người/năm. Tới năm 2018, con số trên đã lên tới 188.853 tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)/năm, tăng 59.686 người. Tỷ lệ lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên tổng số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp bình quân khoảng là đạt tới 93,5%

Trong quá trình hưởng TCTN, hằng tháng, TT DVVL tỉnh luôn theo dõi việc thông báo tìm kiếm việc làm của người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nhằm gắn với công tác tiếp tục tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 150.000 lượt người lao động BHTN có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới.

Công tác hỗ trợ học nghề theo đó cũng đã có những chuyển biến tích cực. Theo TT DVVL tỉnh, kể từ khi tăng mức hỗ trợ học nghề lên 1.000.000 đồng/tháng đã có đông số lao động quan tâm đến chế độ hỗ trợ học nghề. Tổng số lao động có quyết định hỗ trợ học nghề là 335 người với tổng số tiền hỗ trợ là 1.228.600.000 đồng.

Đề xuất bổ sung hỗ trợ khác

Công tác hỗ trợ học nghề dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An số lượng lao động được hỗ trợ học nghề vẫn còn ở mức khiêm tốn. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa có phát sinh thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Nghệ An: Giới thiệu việc làm cho hơn 150.000 lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp - 2

Phó Giám đốc Đặng Cao Thắng cho biết: “Nguyên nhân là do chế độ hỗ trợ học nghề hiện nay chưa phù hợp do mức hỗ trợ học nghề chưa bao gồm phần hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại… Thời gian hỗ trợ học nghề 6 tháng cũng là khó khăn đối với những người thất nghiệp đã có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, khi muốn tham gia khóa học nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề để chuyển đổi nghề phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động”.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình về BHTN. Phần mềm thực hiện BHTN theo quy định của Luật Việc làm cơ bản đáp ứng được các nghiệp vụ về giải quyết hồ sơ hưởng TCTN.

Tuy nhiên trong công tác tư vấn giới thiệu việc làm phần mềm BHTN mới chỉ đáp ứng được tư vấn lần đầu còn các lần tiếp theo chưa cập nhật được; Việc kết nối với kho việc làm trống chưa được thuận tiện cho cán bộ tư vấn tiếp cận dữ liệu để tư vấn cho người lao động.

Từ thực tiễn nêu trên, nhiều giải pháp đã được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đề xuất để chính sách BHTN ngày càng phát huy hiệu quả, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho người lao động khi không may mất đi việc làm.

Đó là mở rộng điều kiện hỗ trợ để người sử dụng lao động dễ tiếp cận với chế độ hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề; Bổ sung thêm các khoản hỗ trợ khác ngoài mức hỗ trợ học nghề; Tăng cường các giải pháp tích cực để tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp ngay từ khi người lao động chưa nộp hồ sơ hưởng và cả trong quá trình hưởng TCTN.

Cùng với đó, cải tiến quy trình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện theo mô hình bảo hiểm thất nghiệp gắn với tư vấn giới thiệu việc làm, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính về BHTN; thực hiện nghị định 166/NĐ-CP của chính phủ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHTN.

Lê Vân