“Ngày nhân đôi” của phụ nữ - bí mật bóng tối của nền kinh tế châu Á
(Dân trí) - Bí quyết về khả năng cạnh tranh của châu Á tại thị trường quốc tế rất đơn giản, đó là trả lương thấp cho phụ nữ và giao thêm cho họ tất cả công việc chăm sóc gia đình mà không có lương.
Tổ chức phát triển Oxfam kêu gọi lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) tại Malaysia trong tuần này ủng hộ các chính sách thay đổi hoàn toàn thực trạng của những phụ nữ đi làm, đồng thời xóa bỏ bất bình đẳng về kinh tế và giới đang ngày càng xấu đi tại khu vực.
Trini Leung, Tổng Giám đốc của Oxfam Hồng Kông, cho rằng “Bất bình đẳng tại châu Á có khía cạnh về giới. Nam giới giầu hơn, trong khi phụ nữ lại nghèo hơn không chỉ bởi công việc bất ổn mà còn vì mức lương quá thấp. Lao động giá rẻ luôn là phụ nữ”.
“Bất bình đẳng giới sẽ tác động đến quá trình chống lại bất bình đẳng kinh tế và nghèo đói. Việc trao quyền về kinh tế cho phụ nữ sẽ giúp đạt đươc bình đẳng giới và chấm dứt nghèo đói”.
Trong những thập kỷ gần đây, châu Á đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, từ năm 1990 đến 2015, nền kinh tế khu vực đã tăng trưởng trung bình ở mức 6% một năm. Mặc dù vậy, sự tăng trưởng này đã làm gia tăng bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, đồng thời làm sâu sắc thêm bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ.
Báo cáo mới đây của Oxfam, “Bị trả lương rẻ mạt và đánh giá thấp - Bất bình đẳng đã định hình công việc của phụ nữ tại châu Á như thế nào”, cho thấy mức lương của phụ nữ châu Á chỉ bằng từ 70 đến 90 phần trăm mức lương của nam giới. Các doanh nghiệp dường như đã thấy rằng phụ nữ là những lao động dễ điều khiển, chấp nhận điều kiện làm việc tồi tệ và mức lương thấp, đồng thời không đòi hỏi về quyền của người lao động. Phụ nữ cũng tiếp tục có “những ngày nhân đôi”, khi họ dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc gia đình, trong khi vẫn phải đi làm. Điều này đã khiến họ bị nghèo về thời gian.
Leung cho rằng “Chính phủ và doanh nghiệp có thể thay đổi hoàn toàn thực trạng này của phụ nữ nghèo bằng cách áp dụng ý tưởng về mức lương đủ sống và phân chia lại công việc chăm sóc gia đình không lương của phụ nữ”.
Trong báo cáo này, Oxfam kêu gọi doanh nghiệp chuyển từ mức lương tối thiếu sang mức lương đủ sống. Mức lương đủ sống có tính đến chi phí phù hợp cho nhà cửa, giáo dục, thực phẩm, đi lại và y tế. Mức lương này cho phép người lao động để dành một khoản thu nhập đủ dùng cho những sự cố không lường trước được như tai nạn và thảm họa.
Theo Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), chính những nguời phụ nữ đang bị trả lương thấp sẽ có được lợi ích nhiều nhất từ việc áp dụng mức lương đủ sống, nhờ thực hiện điều đó, khoảng cách về thu nhập sẽ được thu hẹp.
Báo cáo của Oxfam cũng kêu gọi chính phủ đầu tư vào các dịch vụ công, bao gồm chăm sóc sức khỏe, nước và vệ sinh. Những dịch vụ này sẽ giảm bớt và phân chia lại công việc chăm sóc gia đình không được trả công của phụ nữ.
Đầu tư công vào ngành chăm sóc việc nhà có thể tạo nhiều việc làm cho phụ nữ, giảm bất bình đẳng giới và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Một nghiên cứu của Nhóm Ngân sách dành cho phụ nữ của Anh (UK Women’s Budget Group), thực hiện tại 7 nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, nếu đầu tư 2% giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào ngành chăm sóc việc nhà , cụ thể là chăm sóc xã hội và chăm sóc trẻ em, việc làm sẽ tăng từ 2,4% đến 6,1%. Chính phủ có thể thực hiện những khoản đầu tư này bằng nguồn thu từ việc áp thuế lũy tiến đối với doanh nghiệp và người giàu.
Hoàng Dũng