1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ngày mồng một Tết của những người 'quên' giao thừa

Anh đi sâu vào con hẻm. Sáng sớm mồng một Tết chưa nhà nào mở cửa. Dừng lại trước một căn nhà, anh mạnh tay mở cửa bước vào. Một đứa bé chừng 10 tuổi chạy tới ôm anh: "Ba về ăn Tết với mẹ và anh em con nhé".

Tự mình xông đất nhà mình

Chị Nguyễn Thị Thanh Phượng, 38 tuổi, công nhân thu gom rác dân lập khu phố 2 phường Tân Định (Q. 1 TP.HCM), chia sẻ:"Cái nghề tụi con nó thế chú ạ. Con thì làm đến chiều tối 30 Tết mới về. Anh Thắng chồng con làm suốt đêm giao thừa cho đến sáng mồng một mới xong việc. Năm nào cũng thế, người đầu tiên vô nhà - mà tục lệ gọi là xông đất - không ai khác hơn là chồng con".

Chị Phượng cho biết thêm, nghề rác không có ngày nghỉ - nhất là ngày lễ và Tết. Những lúc ấy, mọi người vui chơi ăn uống và dĩ nhiên lượng rác theo đó cũng tăng cao. Nếu mà mình nghỉ thì sẽ như thế nào?

Bởi thế từ bao năm nay ngày 30 Tết là ngày gia đình chị căng nhất. Nhà cửa cúng bái tất cả anh chị giao cho con trai lớn. "Nó làm tất tần tật mọi việc. Giặt giũ, quét tước, trang trí nhà cửa và nấu được bữa cơm cúng ông bà vào trưa 30", chị Phượng nói.

Chưa đến ca, anh Thắng đã phụ chị Phượng thu gom rác
Chưa đến ca, anh Thắng đã phụ chị Phượng thu gom rác

Nhiều năm nay theo thông lệ, 5 giờ sáng ngày 30 Tết, anh chị rời nhà đến địa điểm làm việc. Chị đẩy xe đi đến từng gia đình lấy rác. Ngày cuối cùng của năm chị phải đi 2 lần, vào buổi sáng và buổi chiều. Giữa 2 lần đó, chị tranh thủ về nhà, cách nơi làm việc chừng 10km để thắp nhang mời ông bà về nhà ăn Tết.

Con trai chị, cháu Thiện năm nay học lớp 12. Ngoài việc lo học tập đạt kết quả tốt, Thiện còn thay cha mẹ quán xuyến những công việc trong nhà. Nhờ thế mà anh chị có điều kiện để tập trung làm việc. Em của Thiện còn nhỏ mới học đến lớp năm chưa phụ gì được cho anh nhưng cũng rất có ý thức.

Năm nay, anh chị vui nhất là Thiện chuẩn bị bước vào đại học. Dù có khổ đến đâu vợ chồng cũng phải cố gắng làm việc để có tiền lo cho con. Bên cạnh đó, em của Thiện bước vào cấp 2, chi phí học tập cho hai con cũng lớn hơn. Thế nhưng, anh chị vẫn luôn lạc quan.

Một năm chỉ được ngày mồng một

"Nói gì thì nói, cái Tết đối với tụi con thiêng liêng lắm. Chú có biết không, từ khi 2 vợ chồng con vào nghề gom rác, mỗi năm chỉ có ngày mồng một là sum họp đầy đủ vợ chồng con cái trong nhà. Có lẽ ngày này là ngày mà tụi con quí nhất trong năm", chị Phượng chia sẻ.

Cùng đi về một hướng
Cùng đi về một hướng

Nghe Phượng tâm sự, đôi mắt tôi cay cay. Nhìn chị, người phụ nữ nhỏ thó kia đã hơn 10 năm trong nghề thu gom rác. Chị kể: "Khởi nghiệp, từ Huế vào Sài Gòn con học may. Sau đó, con cùng người chị mở tiệm may. Một hôm, có anh thanh niên ghé lại đặt may chiếc quần. Không hiểu thế nào mà ông trời se duyên cho con với anh ấy để bây giờ là chồng con đó.

Năm đó, anh Thắng vừa xuất ngũ. Tìm việc không có, mẹ anh vốn là cán bộ xí nghiệp công trình công cộng đã xin cho anh một chân bảo vệ để còn có thời gian học thêm đại học. Không may, thời điểm ấy cơ quan không tuyển bảo vệ. Anh được thu xếp một chân phụ xe ép rác.

Do thiết bị còn thô sơ nên anh rất vất vả trong công việc. Chiếc xe lui vào sát đống rác to, cả anh và tài xế dùng nỉa xúc vào bô. Cứ thế, hết đống rác này sang đống khác. Bây giờ thì đỡ hơn nhiều rồi".

Anh gặp chị, nên duyên. Rồi sinh con. Đồng lương công nhân vệ sinh của anh cộng với tiền công may thuê cho một tiệm may mà chị làm hàng ngày không dủ qua ngày. Chị quyết định chuyển qua nghề gom rác cho từng gia đình đến hôm nay...

Cuối buổi trò chuyện, chị trải lòng: "Dù làm công việc gì vợ chồng con cũng không hề mặc cảm và ngược lai còn thấy vui khi đồng tiền minh kiếm được bằng chính công sức lao động của mình. Con cũng đã dạy các con như thế. Chúng con luôn vui vẻ để vươn lên".

Chị Phượng đẩy xe rác đi rồi, trong lòng tôi vẫn còn ngẩn ngơ. Năm cũ đã tàn năm mới đang đến. Mong cho mái ấm nhỏ kia mãi mãi một mùa xuân bất tận ...

Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet.vn