Ngập ngừng quà Tết

Mới đây, Thủ tướng phát đi thông điệp nghiêm cấm “đi quà Tết” Thủ tướng và bộ trưởng.

Ngập ngừng quà Tết - 1

“Quà Tết” từ một hành vi thể hiện lễ nghĩa rất truyền thống trong văn hóa của người Đông Nam Á, nay đã trở thành hành vi hối lộ hợp pháp mỗi năm Tết đến xuân về.

Cả guồng máy thương trường phục vụ “văn hóa quà tết” ở tất cả các mức độ. Từ các đường dây sưu tầm kỳ hoa dị thảo của nước ngoài đưa về đến của ngon vật lạ trong nước, và nó chiếm một phần quan trọng về thời gian, sức lực và tiền của của toàn xã hội. Nó tệ đến mức người đứng đầu Chính phủ phải dùng đến chữ “cấm”.

Lúc này đây sao tôi thấy nhớ ông Nguyễn Bá Thanh - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương. Từ “văn hóa quà tết” của người Việt, bao năm giữ chức vụ lãnh đạo thành phố, việc ông có kho rượu quý cũng đâu ai lấy làm lạ. Chỉ có đến gần Tết, mấy thư ký cận kề ông khá vất vả. Ông biếu riêng quà tết cho những người ơn nghĩa đã từng xuất hiện trên con đường sự nghiệp của ông, chí ít cũng năm, bảy trăm suất quà.

Mà rất hay, có một nhà văn nghiện thuốc lá nổi tiếng, quà tết của ông Thanh biếu nhà văn ngoài chai rượu quý còn có vài tút thuốc 555, và câu chào hỏi của người thư ký với nhà văn luôn là: “Năm nay bác đã giảm hút thuốc nhiều chưa?”.

Người nhận quà Tết của ông Thanh có khi là một cựu chiến binh, một giám đốc đã về hưu thủa ông làm việc ở nông trường quốc doanh, các cán bộ lão thành mà ơn nghĩa chỉ là những lời khuyên nhủ chí tình, đúng lúc đối với sự nghiệp chính trị của ông. Quà Tết của ông dành riêng cho một người thợ cắt tóc hoặc người sửa chiếc xe Honda đời 67 ngồi lề đường thủa ông còn là thanh niên.

Ơn nghĩa như thế nhưng cũng rất chuyên nghiệp, có danh sách hẳn hoi, không phải năm có năm không, tiện đâu nhớ đó, mà năm nào cũng biếu, biếu đúng thứ người ta cần, người ta thích vì vị lãnh đạo đó đã nhớ đến họ, ân cần và thân tình như thế.

Sẽ có bao nhiêu xóm giềng nhớ ông Thanh vì gia đình ông thường mua cả tấn nếp nấu bánh chưng, vừa để giữ truyền thống quê nhà, vừa có bánh đem biếu khắp lượt hàng xóm trong tổ dân phố vào ngày cuối năm. Tôi tin rằng lúc sinh thời ông cũng phải mất thời gian lo chuyện “quà Tết” cho cấp trên mỗi khi xuân về. Và khi ông mất rồi, hàng trăm gia đình, hàng nghìn người ơn nghĩa nhớ ông, nhớ quà Tết riêng của ông.

Chưa kể mười mấy năm trước, ông Thanh khởi xướng chuyện biếu tiền tiêu Tết cho giới đạp xích lô, xe thồ toàn thành phố Đà Nẵng sau một cuộc gặp mặt nói chuyện đầy hứng khởi về việc phát huy nét đẹp của người dân thành phố. “Quà Tết” nếu như thế thì tốt đẹp, đáng giữ gìn, trân trọng biết bao.

Cả xã hội bình thường ai cũng biết biếu quà Tết là việc cần phải làm sau một năm bạn có được cuộc sống an bình, bạn có thể biếu cân giò, nửa ký khô mực cho những người bạn thân để cảm ơn cuộc sống đã cho ta những tình bạn không tỳ vết, không thực dụng; quà Tết cho cha mẹ già, anh chị em để thắt chặt tình cảm gia đình. Quà Tết làm cho chợ hoa xuân chuyển động nhanh hơn khi người người sắm Tết không quên mua vài chậu hoa tươi cho sếp và đồng nghiệp.

Tặng quà qua lại, đôi khi quà cáp từ bạn bè, đồng nghiệp đã đủ cho ta một cái Tết vui vẻ, nhưng vui nhất là ta tiếp nhận tình cảm từ cuộc sống chứ không phải chau mày so đo đi biếu quà trong toan tính.

Theo Doanh nhân Sài gòn