1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Ngành than sau mưa lũ lịch sử: 26.000 công nhân trở lại làm việc

Dù bị mưa lũ tàn phá, gây thiệt hại nặng nề, nhưng đến nay hầu hết các mỏ than trên địa bàn Hạ Long và Cẩm Phả (Quảng Ninh) hoạt động trở lại, trừ Cty CP than Mông Dương. Trong số 30.000 lao động không bố trí được việc làm do ảnh hưởng của mưa lũ, đến nay chỉ 4.000 người, chủ yếu là lao động gián tiếp, tạm thời nghỉ việc.

Nhường cơm xẻ áo

Cty CP than Mông Dương là đơn vị bị thiệt hại nặng nhất của ngành than trong đợt mưa lũ vừa qua, với toàn bộ hệ thống hầm lò ngập sâu trong nước, thiệt hại khoảng 485 tỉ đồng, và phải mất ít nhất 3-4 tháng mới khắc phục xong. Điều đó có nghĩa rằng phần lớn trong số 4.200 cán bộ, công nhân viên Cty tạm thời mất việc. Trước tình hình đó, nhiều đơn vị thuộc ngành than, kể cả những Cty ít nhiều cũng bị mưa lũ tấn công quyết định nhận thợ lò Mông Dương về Cty mình làm việc tạm thời.

Theo ông Trần Quang Cảnh - Chủ tịch Công đoàn Cty CP than Mông Dương, đến nay các Cty như than Khe Chàm, than Quang Hanh, than Thống Nhất đã nhận 512 thợ lò của Mông Dương về làm việc. “Chúng tôi cân đối gửi số thợ lò trên sang các mỏ khác nhờ tạo công ăn việc làm, số thợ lò còn lại phải ở lại để tiếp tục khắc phục hậu quả, nhằm sớm quay lại sản xuất.

Trước đây, dự kiến ngày 25.8 sẽ bơm xong nước ngập ở mức -150, nhưng chúng tôi cố gắng đến 19.8 hoàn thành và cho phục hồi sản xuất ở một vài công trường, nên sẽ giảm tải được phần nào áp lực công việc” - ông Cảnh cho biết.

Ngay khi có lời kêu gọi của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về việc hỗ trợ các đơn vị bạn gặp khó khăn, Cty than Khe Chàm đã chủ động đăng ký nhận khoảng 300 thợ lò của mỏ Mông Dương. Theo ông Bùi Xuân May - Giám đốc Cty than Khe Chàm, Cty chính thức nhận 300 thợ lò của mỏ Mông Dương về làm việc từ ngày 7.8.

“Chúng tôi giao cho nhóm thợ này một khu khai thác riêng, theo phương thức “làm bao nhiêu, ăn bấy nhiêu”, theo cơ chế khoán của tập đoàn. Việc này vừa dễ hạch toán, vừa dễ quản lý bởi quân ở đâu thì tướng ở đó phải chỉ huy, như thế công tác an toàn đảm bảo hơn” - ông May chia sẻ.

Khó khăn nhưng không sa thải lao động

Tuy nhiên, ngoài việc gửi 512 thợ lò sang các Cty khác và số thợ lò đang trực tiếp tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ, Cty CP than Mông Dương vẫn còn 700-800 người không thể bố trí việc làm. “Đây chủ yếu là những lao động gián tiếp. Các đơn vị bạn không có nhu cầu những công việc này, mà trực tiếp xuống hầm lò thì lại không có chuyên môn” - ông Cảnh lo lắng.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Trần Văn Cừ - Trưởng ban Nhân sự của TKV - cho biết, đến thời điểm này, hầu hết các đơn vị khai thác than đã hoạt động trở lại và đã tích cực chủ động bố trí công việc cho số lao động phải ngừng việc.

Hiện, trong tổng số 4.000 lao động ngành than buộc phải ngừng việc chủ yếu ở các Cty than Mông Dương và Hòn Gai. Với số lao động này, TKV và các đơn vị thành viên bố trí cho nghỉ phép, nghỉ mát theo chế độ đối với thợ lò hằng năm; hoặc đi học nâng cao trình độ về an toàn trong khai thác, chuyển giao công nghệ đào lò.

Mặt khác, ngành than tiếp tục rà soát, bố trí lại lực lượng lao động; một số thợ lò đến tuổi nghỉ chế độ, các Cty tạo điều kiện giải quyết nghỉ chế độ. Số khác do không đủ năng lực bố trí công việc, trước mắt ngành than giải quyết cho ngừng việc và hưởng mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

“Như vậy, đến thời điểm này, ngành than đã cơ bản bố trí đủ lực lượng vào sản xuất, tuyệt đối không sa thải bất kỳ lao động nào, kể cả những lao động phải ngừng việc cũng được hưởng mức lương tối thiểu để tìm việc khác phù hợp” - ông Cừ khẳng định.

Dẫu vậy, thách thức, khó khăn phía trước với ngành than là rất lớn, bởi tuy đã cơ bản bố trí đủ việc cho NLĐ, nhưng hiện tại vẫn chủ yếu tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, như tập trung bơm nước, sửa chữa các tuyến đường hư hỏng nặng, nạo vét mặt bằng, xây dựng lại nhà xưởng, đền bù cho các hộ dân...

Hiện, đã có một số mỏ bắt đầu khai thác than trở lại và hy vọng có thể trở lại hoạt động bình thường vào cuối tháng 8 này. Riêng mỏ Mông Dương, dự kiến phải đến cuối năm nay mới khôi phục được 100% công suất.

Để giải quyết hậu quả thiên tai, giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, TKV đã sử dụng Quỹ hỗ trợ thiên tai của ngành than để hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình thợ mỏ bị mất nhà cửa, mất tài sản do mưa lũ; đồng thời giúp các đơn vị xây dựng lại các công trình phúc lợi cho thợ mỏ như nhà ăn, nhà giao ca. Tổng nguồn quỹ hỗ trợ lên tới 20 tỉ đồng.

Theo Báo Lao Động