Ngành Công tác xã hội: Cần thêm nhiều chính sách đãi ngộ nhân lực
(Dân trí) - Buổi Hội thảo - Giao lưu trực tuyến “Nghề Công tác xã hội: Hoàn thiện hành lang pháp lý” do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Báo điện tử Dân trí tổ chức hôm 13/9 đã thu hút hàng trăm ý kiến của bạn đọc. Về chính sách đào tạo và đãi ngộ nhân lực CTXH, các khách mời đã giải đáp nhiều thắc mắc thú vị.
Ngành học mới với nhiều hấp dẫn
Giải đáp thắc mắc bạn đọc Trần Hoàng Quân (48 tuổi, Hà Nội) về lựa chọn học nghề công tác xã hội và công việc sau khi tốt nghiệp, ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết:
“Tôi khuyên bạn nên chọn ngành công tác xã hội. Bởi ngành này hiện đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, phát triển. Nhà nước đang có nhiều chương trình liên quan tới nghề công tác xã hội. Từ đó sẽ cần nhiều bạn trẻ có trình độ đại học về công tác xã hội. Ví dụ như chương trình về giảm nghèo, phát triển nông thôn mới”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hồi, không chỉ ngành LĐ-TB&XH mà các ngành y tế, giáo dục cũng rất quan tâm phát triển ngành công tác xã hội trong bệnh viện, trường học, trung tâm dưỡng lão...
Nhận định về mức lương khởi điểm, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết: Dù mức thu nhập có thể không cao bằng những ngành "hot" như công nghệ thông tin hay kinh doanh nhưng đây cũng là ngành có mức tiền lương trên trung bình của xã hội. Theo một số khảo sát ở mức từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Đồng quan điểm về cơ hội việc làm khá rộng mở trong lĩnh vực công tác xã hội, bà Nguyễn Thị Thái Lan - Giảng viên Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết: Công tác xã hội là một ngành khoa học, một nghề thực hành đã tồn tại trên 130 quốc gia trên thế giới. Công tác xã hội được đánh giá có những tham gia và đóng góp tích cực vào hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội. Đặc biệt là làm tăng cường chất lượng cuộc sống của những nhóm người yếu thế trong xã hội.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thái Lan, nghề công tác xã hội đang được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau, như: Cấp độ trung mô nhân viên công tác xã hội hỗ trợ các nhóm nhằm hỗ trợ phát triển cộng đồng cho những cộng đồng nghèo…
Ở cấp độ vĩ mô, nhân viên công tác xã hội tham gia vào xây dựng và biện hộ chính sách xã hội cho những nhóm đối tượng yếu thế và có khó khăn trong xã hội…Ví dụ như việc tham gia vào xây dựng luật công tác xã hội, các luật về trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi…
“Bên cạnh đó người được đào tạo công tác xã hội có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu khác. Như vậy, nghề công tác xã hội không phải là từ thiện, cũng không phải là hoạt động tình nguyện hiện có. Để làm được các công việc của ngành công tác xã hội, cá nhân cần phải được đào tạo kiến thức, kỹ năng, thái độ, giá trị đạo đức…” - bà Nguyễn Thị Thái Lan nói.
Cần bao nhiêu nhân viên công tác xã hội?
Giải đáp thắc mắc của bạn đọc về tỉ lệ nhân viên công tác xã hội cần có ở VN, bà Vũ Thị Lệ Thanh, chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chia sẻ kinh nghiệm quan sát quốc tế: “Tại Mỹ và Úc, trung bình 2.000 người dân sẽ cần có một nhân viên công tác xã hội. Ở Singapore, tỉ lệ trên là 4.000 người dân sẽ cần có 1 nhân viên công tác xã hội”.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, Việt Nam có gần 30% dân số thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có gần 5 triệu trẻ em (khoảng 18% dân số trẻ em) thuộc đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều các vấn đề gia tăng như bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em, nạn buôn bán người, di cư v.v.
Bà Vũ Thị Lệ Thanh nhận định: “Xét về nhu cầu dịch vụ công tác xã hội, Việt Nam cần 1 nhân viên CTXH chuyên nghiệp trên 5.000 người dân. Họ sẽ làm việc ở khoảng 11.000 xã, phường thị trấn, làm việc trong các trung tâm CTXH cấp huyện và tỉnh, trong nhà trường, bệnh viện, các cơ quan tư pháp và các tổ chức trong và ngoài chính phủ”.
Về nhiệm vụ của nhân viên công tác, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), cho rằng rất rộng và tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực làm việc cụ thể, như: Y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, tâm lý…
“Đơn cử như trong lĩnh vực chăm sóc, giám sát đối tượng chưa thành niên phạm tội tại cộng đồng. Nhân viên công tác xã hội phải có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng; xây dựng và thực hiện kế hoạch để giám sát người chưa thành niên…” - bà Nguyễn Thị Kim Thoa nói.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, nhân viên công tác xã hội còn có nhiệm vụ giới thiệu tham gia các chương trình học tập, hướng nghiệp, tìm việc làm, các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng được tổ chức tại địa phương…
Hoàng Mạnh