Năng suất lao động Thái Lan vượt Việt Nam tới hơn nửa thế kỷ?

Đến năm 2038, Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, và đến năm 2069 mới bắt kịp của Thái Lan.

Đó là số liệu được đưa ra bởi Tổng cục Thống kê nhân Hội thảo Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 – 2035.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có cải thiện đáng kể. Khoảng cách tương đối về năng suất lao động với các nước Asean được thu hẹp dần.

Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Đáng lưu ý, khoảng cách tuyệt đối về năng suất lao động lại đang có xu hướng tăng lên.

Cụ thể, nếu năm 1994 năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia lần lượt gấp 29,2 lần; 10,6; 4,6; 3,1 và 2,9 lần năng suất lao động của Việt Nam, thì đến năm 2013 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 18 lần; 6,6; 2,7; 1,8 và 1,8 lần.

Tuy nhiên, ngoại trừ Brunei và Philippines, khoảng cách tuyệt đối tính bằng chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với hầu hết các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn lại gia tăng trong giai đoạn trên.

Năng suất lao động Thái Lan vượt Việt Nam tới hơn nửa thế kỷ?

Năng suất lao động Thái Lan vượt Việt Nam tới hơn nửa thế kỷ?

Tổng cục Thống kê giả định, nếu Việt Nam và một số nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007 – 2012 thì phải đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, và đến năm 2069 mới bắt kịp của Thái Lan.

Cũng theo cơ quan thống kê, mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng trình độ khoa học công nghệ (KH-CN) của Việt Nam vẫn thấp so với các nước trong khu vực.

Tổng chi quốc gia cho nghiên cứu phát triển cũng ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển/GDP của Việt Nam năm 2011 là 0,21%, tương đương tỷ lệ của Thái Lan năm 2007, cao hơn Indonesia (0,15%) và Philippines (0,11%), nhưng chỉ = 1/3 của Malaysia (0,7%) và thấp xa so với Hàn Quốc (3,4%).

Tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng nhập khẩu các thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, kém hiệu quả. Trong giai đoạn 2000 – 2012, hệ số đổi mới của Việt Nam không có thay đổi trong 18 nước châu Á (15/18 nước).

Bên cạnh đó là nền kinh tế tri thức dù đã tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp so với vực và thế giới. Chỉ số kinh tế tri thức (KEI) Việt Nam vào năm 2012 đạt 3,40 điểm, xếp thứ 103. Cao hơn Indonesia (107), LÀo (130), Campuchia (131)… nhưng thấp xa so với Singgapore (23), Malaysia (48), Thái Lan (66), Philiipinens (92), Hàn Quốc (29)…

Lý do chính của bất cập này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là xuất phát điểm và quy mô nền kinh tế của Việt Nam quá nhỏ bé.

Mặc dù quy mô nền kinh tế liên tục được mở rộng, GDP năm 2014 gấp 29 lần GDP năm 1990, nhưng so với một số nước trong khu vực ASEAN thì quy mô kinh tế nước ta vẫn còn nhỏ.

Những con số Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra không còn gây bất ngờ khi trước đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho biết, NSLĐ của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), điều đó là bình thường khi chúng ta đang trong giai đoạn phát triển mới, NSLĐ thể hiện năng lực cạnh tranh của chúng ta.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, khi Việt Nam còn gia công là chủ yếu thì vấn đề năng suất cao hay thấp cũng không quá quan trọng bởi giá trị gia tăng trong sản phẩm quá thấp. "Vấn đề là phải có hàm lượng chất xám trong sản phẩm ấy thì mới có ý nghĩa", ông Trinh phân tích.

Theo Vietq.vn