Nạn nhân mua bán người: Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Hoàng Lam

(Dân trí) - Trong thời gian gần đây, ngành chức năng tỉnh Nghệ An giải cứu hơn 200 nạn nhân bị bán ra nước ngoài nhưng chỉ có 20 nạn nhân được hỗ trợ khi về địa phương.

Lợi nhuận "khủng"

Nghệ An được xác định là địa bàn trọng điểm của tình hình tội phạm mua bán người. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ, 113 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, xử lý 3 vụ, 6 đối tượng có hành vi liên quan đến mua bán bào thai.

Riêng 6 tháng đầu năm 2020, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, xử lý 8 vụ, 14 đối tượng mua bán người.

Nạn nhân mua bán người: Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ - 1
Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó GĐ Công an tỉnh Nghệ An (thứ 2 từ trái sang) và ông Bùi Văn Hưng - Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An chia sẻ thông tin tại Lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người".

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó GĐ Công an tỉnh Nghệ An - cho biết, từ thực tiễn đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động mua bán người cho thấy tội phạm này có mối quan hệ với các đối tượng ở nước ngoài như Anh, Trung Quốc...

“Chúng tạo lập thị trường và tổ chức đường dây sai khiến các đối tượng chân rết ở Việt Nam để về các địa phương thu hút, rủ rê người dân. Lợi dụng công tác quản lý đường biên giới còn hạn chế, các đối tượng lén lút tổ chức đưa nạn nhân qua đường mòn, lối mở dọc biên giới để ra nước ngoài”, Đại tá Hùng cho hay.

Gần đây nhất, ngành chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện đường dây tổ chức đưa 300 người ra nước ngoài trái phép. Các nạn nhân chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 3 đối tượng và tiếp tục truy xét mở rộng về bị hại cũng như giải cứu nạn nhân đang ở nước ngoài.

Nạn nhân mua bán người: Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ - 2
Bị cáo Lộc Thị Mai vừa bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 3 năm tù về tội "Mua bán người". Ngành chức năng chỉ rõ lợi nhuận từ mua bán người chỉ đứng sau mua bán ma túy và vũ khí.

Phó GĐ Công an tỉnh Nghệ An cũng cho biết, thời gian gần đây, lực lượng công an tỉnh phối hợp với tổ chức quốc tế Rồng Xanh giải cứu thành công hơn 200 nạn nhân bị bán ra nước ngoài, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Lý giải cho tình trạng mua bán người ngày càng phức tạp, báo cáo của ngành chức năng chỉ rõ, đây là loại tội phạm đem lại nguồn thu bất hợp pháp cao thứ 3, chỉ sau buôn ma túy và vũ khí.

Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ 

Lợi nhuận cao là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình hình tội phạm mua bán người gia tăng.

Tuy nhiên, đời sống kinh tế khó khăn, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới, nơi người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, cơ hội khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tìm kiếm việc làm… cũng là yếu tố thúc đẩy tệ nạn mua bán người.

Nạn nhân mua bán người: Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ - 3

Từ nạn nhân mua bán người, Nguyễn Thị Tiên (SN 1999, trú TP Vinh, Nghệ An) trở thành tội phạm. (ảnh V. Linh)

Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong một số vụ án, đối tượng phạm tội lại chính là nạn nhân bị lừa bán trước đó.

Theo ông Bùi Văn Hưng - Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An - từ năm 2019 đến nay, đơn vị này đã tổ chức hỗ trợ ban đầu và giúp đỡ 20 bị hại về với địa phương, gia đình.

Tháng 7/2020, HĐND tỉnh Nghệ An thông qua Nghị quyết hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người. Các nạn nhân trên địa bàn Nghệ An bị mua bán ra nước ngoài, khi trở về địa phương được hỗ trợ tiền ăn, ở tại cơ sở bảo trợ và hỗ trợ 2 triệu đồng.

“Việc hỗ trợ sau khi nạn nhân về với địa phương, tái hòa nhập cộng đồng gặp nhiều khó khăn và hạn chế”, ông Hưng thông tin.

Ông Hưng cho rằng, nguyên nhân là do tâm lý tự ti, mặc cảm, e ngại của chính đối tượng bị hại và thân nhân của họ. Các nạn nhân không khai báo với chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục, hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Trong khi đó các sự việc xảy ra và bị hại chủ yếu là ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn cách trở.

Bên cạnh đó, sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền địa phương về chính sách hỗ trợ chưa thường xuyên; việc nắm bắt thông tin, đánh giá nhu cầu, tư vấn tâm lý ban đầu cho đối tượng chưa chặt chẽ, kịp thời nên hiệu quả hỗ trợ ban đầu còn hạn chế.

Nạn nhân mua bán người: Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ - 4

Từ năm 2019 tới nay mới chỉ có 20 bị hại trong các vụ mua bán người được hỗ trợ khi trở về địa phương. 

Để nạn nhân của tội phạm mua bán người khi trở về địa phương sớm ổn định tâm lý, tái hòa nhập cộng đồng, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Cùng với tuyên truyền sâu rộng về sự nguy hại của tệ nạn mua bán người cũng như các chính sách hỗ trợ tới đông đảo tầng lớp nhân dân, công tác nắm bắt thông tin, tư vấn kịp thời cho các đối tượng bị hại được đặc biệt quan tâm và triển khai xuống từng cấp ủy, địa phương.

Xây dựng mô hình liên kết

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cũng đang nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết giữa cơ quan chức năng giải cứu đối tượng và cơ sở bảo trợ xã hội, chính quyền địa phương để hỗ trợ ban đầu, gắn với đó là hỗ trợ sau khi tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.

“Lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, chương trình phát triển an sinh xã hội, hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho các nạn nhân mua bán người sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Sở đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung một số quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục để đối tượng bị hại được tiếp cận một cách tốt nhất”, ông Bùi Văn Hưng cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm