Nam thanh niên người Thái làm giàu từ đất, thu gần nửa tỷ đồng mỗi năm
(Dân trí) - Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, không đi Nam hay Bắc lao động, anh quyết chí ở lại và làm giàu từ đất trên chính quê hương mình. Mô hình khép kín của anh mỗi năm đem lại thu nhập gần nửa tỷ đồng.
Đến xã Luận Thành, huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, hỏi thăm anh Lương Ngọc Lai (SN 1989), không ai là không biết, bởi anh vốn là một thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu ở địa phương.
Vốn là người dân tộc Thái, năm 2009, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Lai trở về quê và tham gia công tác Đoàn ở cơ sở. Từ năm 2011, anh đảm nhận cương vị Phó bí thư Đoàn xã đến nay.
Cũng trong thời gian này, anh Lai bắt đầu chăn nuôi gà thả vườn. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm và vốn nên anh Lai chưa dám đầu tư nhiều mà chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đến năm 2015, anh quyết định đi học đại học Ngành Chăn nuôi - Thú y tại Trường ĐH Hồng Đức.
Vừa học, anh Lai vừa đầu tư thêm trại nuôi gà để tăng quy mô đàn và thuê thêm người làm. Đến năm 2018, sau khi tốt nghiệp đại học, tích lũy được kinh nghiệm và vốn liếng, anh tiếp tục mở rộng quy mô đàn nuôi. Ban đầu, mỗi lứa anh Lai thả nuôi từ 3.000 rồi sau đó tăng đàn lên 5.000 con mỗi lứa.
"Lúc đầu chưa có kỹ thuật nên rất khó khăn, thua lỗ ngay lứa đầu tiên, gia đình, vợ con ngăn cản. Nhưng với tâm thế đã xác định ngã đâu đứng lên ở đó, không chùn bước, lấy đó làm bài học để phát triển tiếp, tôi động viên vợ và anh em trong gia đình hỗ trợ. Sẵn có kỹ thuật trong tay và đi thăm các mô hình trang trại, thấy lợi thế mình sẵn có nên tôi vẫn quyết định đầu tư nuôi gà", anh Lai chia sẻ.
Mỗi năm, trang trại của anh Lai nuôi 3 lứa gà, thu nhập từ việc chăn nuôi gà khoảng 200 triệu đồng/năm. Không chỉ đem lại thu nhập cho bản thân, hiện anh Lai còn hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư thức ăn cho khoảng 8 trang trại chăn nuôi trên địa bàn xã Luận Thành và các xã lân cận.
Ngoài chăn nuôi, ngày trước, trên diện tích đất của gia đình, anh Lai còn trồng keo, ớt. Trăn trở khi mô hình chưa tập trung được các nguồn lực phân gà sẵn có nên anh Lai nghiên cứu và chuyển sang mô hình nuôi giun quế.
Nghĩ là làm, anh Lai tìm đến với 2 người bạn khác cùng chung vốn đầu tư mô hình nuôi giun quế với diện tích hơn 2.000m2. Việc nuôi giun quế mỗi năm mang lại nguồn thu cho anh khoảng 250 triệu đồng. Hiện, anh Lai quyết định đầu tư nhà nuôi giun quế để tách ra làm riêng.
"Trước đây khi mới nuôi gà, tôi cũng suy nghĩ sẽ làm cái gì nữa chứ dựa vào gà không thì cũng chưa được. Khi nuôi gà, thấy chưa tận dụng được tối đa phế phẩm của gà, phân gà lâu nay cũng bán ra thị trường nhưng không được bao nhiêu. Để tận dụng tối đa sản phẩm ngành chăn nuôi, tôi lấy phân gà nuôi giun quế, sau đó lấy giun quế làm thức ăn cho gà và lấy phân giun quế để trồng cây. Theo quan sát, thấy trồng dưa hợp lý nên tôi quyết định trồng dưa", anh Lai bật mí.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình, chàng trai dân tộc Thái cho biết, lúc đầu, ý tưởng khởi nghiệp của anh là trồng măng tây, nhưng sau khi nghiên cứu chất đất không đạt được lợi thế tối đa nên chuyển sang ý tưởng trồng dưa.
"Nhiều người cho rằng vốn là một vấn đề vô cùng quan trọng trong khởi nghiệp, nhưng theo tôi, vốn mới chỉ là một điều kiện cần, quan trọng nhất vẫn là sự tâm huyết của bản thân và dám nghĩ, dám làm thì mới thành công. Có cho mình một tỷ đồng, nếu mình không biết tính toán, không biết cách làm thì cũng bằng không", anh Lai chia sẻ.
Để hiện thực ý tưởng của mình, anh Lai đầu tư hơn 300 triệu đồng làm 1.200m2 nhà lưới để trồng dưa. Và lứa dưa đầu tiên đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào trước Tết nguyên đán năm nay.
"Thanh niên của mình hiện nay đa số đi làm ăn xa. Ngày trước, nhiều người rủ tôi đi miền Nam, miền Bắc lao động. Bản thân phát triển ở quân ngũ về thấy có nhiều lợi thế ở địa phương, được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, anh em, bạn bè, gia đình ủng hộ. Hơn nữa, xác định đất ở quê là đất vàng, có thể kiếm tiền từ đất nên quyết định ở lại làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ngoài ra, nhân công rẻ, đất không phải mua, là những tiền đề để phát triển kinh tế", anh Lai cho biết.
Mục tiêu của anh Lai là làm sao mô hình của mình có hiệu quả và phải là một quy trình khép kín và đặc biệt nó cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn thì mới hiệu quả cao.
Nói về dự định sắp tới, anh cho biết, sẽ đầu tư thêm 3.000m2 nhà lưới để trồng dưa, trồng các loại rau, củ quả sạch. Không những vậy, anh còn tích tụ thêm đất để nuôi lươn không bùn.
Không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, hiện mô hình trang trại của anh Lai còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 người với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng.
"Bản thân được nhận giải thưởng Lương Định Của là một vinh dự lớn. Tuy nhiên, tôi băn khoăn, trăn trở làm sao đó phải lan tỏa đến được các bạn đoàn viên thanh niên của địa phương và đến người dân, có như vậy mình mới xứng đáng với giải thưởng. Tôi suy nghĩ, bây giờ phát triển kinh tế một mình thì đi rất nhanh, nhưng sẽ không bền vững và mình phải cùng nhau đi thì mới bền vững và lan tỏa thành mô hình khởi nghiệp chung cho cả cộng đồng thì mới phát triển được. Mình làm nông nghiệp theo hướng công nghiệp, lâu nay mình làm nông nghiệp theo hướng truyền thống, không tận dụng được tối đa lợi thế của đất và tình hình tại địa phương, vẫn nghĩ một câu đất là vàng và nó sẽ thành công cho mỗi người thanh niên khi mà muốn khởi nghiệp tại địa phương", anh Lai chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Hữu Cường, Chủ tịch UBND xã Luận Thành cho biết: Mô hình của anh Lai đang thực hiện được huyện và Trung ương đoàn đánh giá cao, vừa qua được đi nhận giải thưởng Lương Định Của. Về phía địa phương nhận thấy, đây là mô hình rất tốt, được đông đảo thanh niên trong xã và các xã bạn đến tham quan, có sức lan tỏa trong thanh niên.
Xã cũng đang tuyên truyền cho thanh niên địa phương tiếp tục học tập mô hình khởi nghiệp của anh Lai để nhân rộng ra trên địa bàn toàn xã và các xã trên địa bàn của huyện. Mô hình không chỉ đem lại hiểu quả kinh tế cho gia đình, tạo công ăn việc làm trước mắt là cho người nhà và sau đó là cho một số đoàn viên thanh niên trong thôn. Đây là mô hình có quy mô và hiệu quả cao nhất của địa phương.
Trung ương Đoàn vừa công bố thanh niên nông thôn giành giải cao trong cuộc bình chọn đại biểu tuyên dương Lương Định Của năm 2020 được yêu thích nhất. Chàng trai trẻ dân tộc Thái Lương Ngọc Lai đã đạt giải Nhất.
Theo đó, sau quá trình bình chọn, cùng tương tác để góp phần lan tỏa những mô hình, cách làm, tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế trên địa bàn nông thôn trong cả nước, anh Lương Ngọc Lai đã giành giải nhất khi được đông đảo đoàn viên, thanh niên yêu thích với: 780 lượt người like, 35.000 share, 49.642 người tiếp cận trên Fanpage giải thưởng Lương Định Của và mạng xã hội.
Mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt theo hướng khép kín nên tránh được các tác động xấu như nước thải, chất thải ra môi trường, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch với tiêu chí "chất, xanh và sạch".
Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn trao tặng hằng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động đoàn, hội ở địa phương và đơn vị.
Trong số 56 thanh niên nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020 có 2 thanh niên Thanh Hóa là anh Lương Ngọc Lai (SN 1989), ở xã Luận Thành, Thường Xuân và chị Lê Thị Vân (SN 1986), ở Thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân.